Hàng xóm cận kề hơn 10 năm và chưa từng phát sinh mâu thuẫn, nhưng khi một trong 2 nhà xây hàng rào giáp ranh thì xảy ra tranh chấp đến nỗi phải kiện nhau ra tòa.
(VLO) Hàng xóm cận kề hơn 10 năm và chưa từng phát sinh mâu thuẫn, nhưng khi một trong 2 nhà xây hàng rào giáp ranh thì xảy ra tranh chấp đến nỗi phải kiện nhau ra tòa.
Năm 2007, bà N.T.B. mua đấu giá 6.045,4m2 đất ở Phường 9 (TP Vĩnh Long) và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Giáp ranh với phần đất này là đất của bà D.T.S. và đôi bên vẫn qua lại bình thường trong nhiều năm.
Đến năm 2018, khi bà S. xây hàng rào kiên cố trên đất giáp ranh thì xảy ra tranh chấp. Bà B. cho rằng khi nhận chuyển nhượng thì phần giáp ranh không có hàng rào. Sau đó, bà S. xây hàng rào lấn chiếm 108,9m2 đất của bà.
Dù đã nhiều lần ngăn cản để cơ quan chức năng đo đạc xác định lại ranh đất nhưng phía bà S. vẫn cố tình xây tiếp. Do đó, bà B. khởi kiện ra tòa yêu cầu bà S. tháo dỡ hàng rào, di dời cây kiểng trả lại đất lấn chiếm.
Nếu không tháo dỡ thì bà B. đồng ý cho bà S. sử dụng 108,9m2 đất nhưng phải hoàn giá trị đất lấn chiếm theo giá thị trường.
Bà S. thì không đồng ý, khẳng định không lấn chiếm đất của bà B. vì ranh đất giữa 2 nhà được sử dụng ổn định từ trước đến nay.
Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã công nhận cho bà S. được quyền sử dụng phần đất tranh chấp và bồi hoàn giá trị 108,9m2 đất cho bà B. bằng số tiền hơn 29,4 triệu đồng.
Không đồng ý với quyết định trên, bà B. kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm công nhận diện tích 108,9m2 là một phần trong thửa đất do bà đứng tên đồng thời buộc bà S. phải tháo dỡ hàng rào, di dời cây kiểng trên đất lấn chiếm trả lại hiện trạng ban đầu.
Ngày 4/11/2020, Viện KSND TP Vĩnh Long cũng có quyết định kháng nghị quanh việc bồi hoàn giá trị đất theo mức 270.000 đ/m2 mà tòa sơ thẩm áp dụng là rất thấp so với giá thị trường nên chưa đảm bảo quyền lợi cho bà B.
Qua các chứng cứ thu thập được có trong hồ sơ vụ án, HĐXX tòa phúc thẩm cho rằng: Thửa đất số 10, diện tích 6.045,4m2 (loại đất đô thị và cây lâu năm) tọa lạc tại Phường 9 (TP Vĩnh Long) là do bà B. mua đấu giá vào năm 2007. Giáp ranh với thửa đất này là thửa số 202, diện tích 2.427,2m2 do bà S. đứng tên.
Theo trích đo bản đồ địa chính khu đất của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Vĩnh Long thì phần đất 108,9m2 đang tranh chấp thuộc thửa số 10 của bà B. nên việc bà S. làm hàng rào là lấn chiếm trong phạm vi QSDĐ của bà B.
Việc bà S. cho rằng không lấn chiếm đất vì ranh giới 2 nhà sử dụng ổn định từ trước đến nay. Tuy nhiên, thực tế sử dụng đất không có ranh nào tồn tại giữa 2 thửa đất như lời trình bày của bà S.
Quá trình giải quyết vụ án, bà S. cũng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh phần đất tranh chấp thuộc QSDĐ thuộc thửa số 202 mà bà đang đứng tên.
Trước đó, việc cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ từ chồng bà S. sang bà S. cũng thể hiện diện tích sử dụng và ranh giới thửa số 202 không thay đổi.
Khi bà S. xây hàng rào, bà B. có ngăn cản để chờ cơ quan chức năng đo đạc xác định lại ranh đất nhưng bà S. vẫn cố tình xây dựng nên yêu cầu được sử dụng 108,9m2 đất tranh chấp của bà S. là không có cơ sở.
Từ những phân tích trên, HĐXX tuyên buộc bà S. phải tháo dỡ, di dời hàng rào trả lại phần đất diện tích 108,9m2 cho bà B.
Ngoài ra, việc tòa cấp sơ thẩm buộc bà S. hoàn trả giá trị đất theo đơn giá 270.000 đ/m2 là chưa đảm bảo quyền lợi cho bà B. nhưng tại phiên xử phúc thẩm, bà B. không đồng ý nhận giá trị đất nên HĐXX không xem xét giải quyết.
Cuối cùng, câu chuyện về cái hàng rào ngăn đôi tình làng xóm đã được phân định đúng sai và người xây trái phép sẽ buộc phải tháo dỡ để trả lại hiện trạng ban đầu.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin