Bản thân là giáo viên, biết việc cấp giấy phép lái xe (GPLX) mà không cần học và thi là trái quy định pháp luật nhưng Nguyễn Ngọc Đức Em (SN 1985- trú Khóm 6, Phường 5- TP Vĩnh Long) vẫn môi giới, nhận làm GPLX cho nhiều người và còn kéo anh trai cùng một số đối tượng khác tham gia để hưởng lợi.
Các bị cáo Lộc, Đức Em, Đức, Hiếu (từ phải sang trái). |
(VLO) Bản thân là giáo viên, biết việc cấp giấy phép lái xe (GPLX) mà không cần học và thi là trái quy định pháp luật nhưng Nguyễn Ngọc Đức Em (SN 1985- trú Khóm 6, Phường 5- TP Vĩnh Long) vẫn môi giới, nhận làm GPLX cho nhiều người và còn kéo anh trai cùng một số đối tượng khác tham gia để hưởng lợi.
2 bị cáo liên quan vụ án nói trên gồm Nguyễn Ngọc Đức Em là giáo viên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TP Vĩnh Long, còn Nguyễn Ngọc Đức là giáo viên của Trường Tiểu học Thanh Đức B (thuộc xã Thanh Đức- Long Hồ)
Tháng 9/2019, Đức Em quen Lê Văn Hưng quê An Giang (không rõ địa chỉ cụ thể) qua mạng xã hội Zalo và được Hưng cho biết “có người làm GPLX ô tô các hạng không cần học và thi, có hồ sơ gốc, GPLX được cấp là thật và có thể đổi trên 63 tỉnh- thành”.
Sau đó, Hưng cho Đức Em số điện thoại của người trực tiếp làm GPLX ở TP Hồ Chí Minh. Đức Em liên hệ thì được hướng dẫn kết bạn qua Zalo với tài khoản Nguyễn Tiến Đồng và được người này cho biết cách thức, giá cả làm các loại GPLX.
Cụ thể, khi muốn làm GPLX, người có nhu cầu chụp ảnh chứng minh nhân dân (CMND) và chân dung 4x6 gửi qua tài khoản Zalo cho Nguyễn Tiến Đồng. Nếu muốn nâng hạng thì gửi thêm GPLX hạng B2, C và bằng tốt nghiệp THPT. Sau vài tuần, GPLX và hồ sơ gốc sẽ được gửi qua đường bưu điện.
Giá từng hạng GPLX được quy định: hạng B2 là 12 triệu đồng, hạng D 14 triệu đồng và hạng E 16 triệu đồng. Trường hợp không có bằng tốt nghiệp THPT, Nguyễn Tiến Đồng cũng nhận làm với giá 4 triệu đồng/bằng.
Sau khi nắm rõ cách thức làm GPLX giả, tháng 10/2019, Đức Em hướng dẫn anh ruột là Nguyễn Ngọc Đức tìm người có nhu cầu làm GPLX không cần học và thi.
Sau đó, Đức nói với bạn bè và nhờ giới thiệu thì có Nguyễn Tấn Lộc (SN 1983- trú Khóm 1, thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ) và Trần Văn Thiện (SN 1967- trú ấp Thân Bình, xã Tân Long- Mang Thít) đồng ý làm GPLX hạng B2 với giá 12 triệu đồng/GPLX. Đức nhận tiền, hình ảnh của Lộc và Thiện đem về giao cho Đức Em. Khi có GPLX, Đức Em nhận qua kênh giao hàng nhanh rồi đưa Đức giao lại cho Lộc và Thiện.
Ngoài nhận hồ sơ từ anh trai, Đức Em còn trực tiếp nhận làm GPLX hạng D cho Nguyễn Trường Hiếu (SN 1987- trú ấp Phước Lợi A, xã Phước Hậu- Long Hồ) giá 14 triệu đồng. Đức Em còn hướng dẫn và nhờ Hiếu tìm người làm GPLX, giá có thể lấy cao hơn giá gốc là 1 triệu đồng/GPLX và 250.000 đ/bằng THPT rồi chia đôi tiêu xài.
Hiếu đồng ý và từ tháng 10/2019-1/2020, Hiếu trực tiếp nhận và giao cho Đức Em làm GPLX và bằng tốt nghiệp THPT cho 4 người ở xã Trung Chánh (Vũng Liêm), Tân Hòa (TP Vĩnh Long), An Hữu (Cái Bè- Tiền Giang), Vân Khánh (An Minh- Kiên Giang).
Sau khi nhận GPLX và bằng tốt nghiệp THPT, những người này chưa đem ra sử dụng nên không bị xử lý. Riêng Nguyễn Tấn Lộc khi đó đang học lái mô tô hạng A1 tại Trường CĐ Nghề số 9 ở TP Vĩnh Long. Khi nhờ Đức làm được GPLX hạng B2, Lộc mang nộp cho Trường CĐ Nghề số 9 để miễn phần thi lý thuyết ở phần thi sát hạch GPLX hạng A1.
Tuy nhiên, ngày 17/1/2020, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Long phát hiện GPLX hạng B2 của Lộc là không hợp pháp nên lập biên bản thu giữ.
Từ đây, hành vi môi giới làm giả GPLX và bằng tốt nghiệp THPT của 2 giáo viên ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TP Vĩnh Long cùng một số đối tượng liên quan bị phanh phui.
Qua làm việc, những người làm GPLX và bằng tốt nghiệp THPT giả đã tự nguyện giao nộp cho cơ quan công an. Cơ quan điều tra tiến hành trưng cầu giám định 8 con dấu, 9 tài liệu liên quan đến các GPLX và bằng tốt nghiệp THPT đã thu giữ, kết quả đều là giả.
Do đó, Công an TP Vĩnh Long đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Ngọc Đức Em, Nguyễn Ngọc Đức, Nguyễn Trường Hiếu về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và khởi tố Nguyễn Tấn Lộc về hành vi “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 1 và 3, Điều 341 Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, Đức Em thừa nhận đã môi giới làm GPLX và bằng tốt nghiệp THPT cho 7 người, thu 105,5 triệu đồng.
Sau khi thanh toán cho Nguyễn Tiến Đồng 103 triệu đồng, Đức Em hưởng lợi 2,5 triệu đồng. Bản thân Đức Em là giáo viên, có đủ trình độ và nhận thức việc cấp GPLX ô tô và bằng tốt nghiệp THPT mà không học và thi là trái quy định pháp luật nhưng vẫn nhận làm cho các đối tượng liên quan để thu lợi.
Nguyễn Ngọc Đức cũng là giáo viên, có đủ trình độ và nhận thức việc được cấp GPLX ô tô mà không học, không thi là trái quy định nhưng vẫn tìm, giới thiệu Lộc và Thiện cho Đức Em.
Mặc dù chỉ muốn giúp Đức Em và không đặt vấn đề lợi ích nhưng khi Đức Em chủ động đưa một triệu đồng, Đức không giao trả lại, không nộp cho cơ quan chức năng mà vẫn giữ lại tiêu xài.
Nguyễn Trường Hiếu là tài xế đã từng học lái xe và tham gia thi sát hạch nên nhận thức rõ việc không học, không thi mà được cấp GPLX và bằng tốt nghiệp THPT là trái quy định pháp luật nhưng vẫn cung cấp hình ảnh, CMND cho Đức Em làm giả GPLX hạng D cho mình.
Ngoài ra, Hiếu còn giới thiệu 4 người có nhu cầu làm GPLX nhưng không học, không thi để thu 96 triệu đồng. Hiếu đưa Đức Em 67,5 triệu đồng, hưởng lợi 29,5 triệu đồng.
Nguyễn Tấn Lộc không thu lợi trong vụ án này nhưng đã sử dụng GPLX hạng B2 giả nộp cho Trường CĐ Nghề số 9 để được miễn thi khi tham gia thi sát hạch GPLX hạng A1. Đây là hành vi trái pháp luật nên phải chịu trách nhiệm về những việc đã làm.
Xét hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước về con dấu, tài liệu, gián tiếp làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông vì đã giúp những người chưa đủ điều kiện, chưa học Luật Giao thông điều khiển phương tiện tham gia giao thông nên cần có mức án tương xứng với hành vi mà từng bị cáo đã gây ra.
Do đó, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã tuyên án sơ thẩm phạt Nguyễn Ngọc Đức Em 4 năm tù giam, Nguyễn Trường Hiếu 3 năm 6 tháng tù giam, Nguyễn Ngọc Đức 3 năm tù giam tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, phạt Nguyễn Tấn Lộc 30 triệu đồng tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Tại khoản 1 và 3, Điều 341 Bộ luật Hình sự quy định tội “Làm giả và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” như sau: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Trường hợp “làm giả 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên” thì bị phạt tù từ 3-7 năm. |
Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin