Một lối đi, hai giấy chứng nhận (?)

05:05, 27/05/2021

Do sơ sót của cơ quan chức năng, một phần diện tích đất của người này được cấp chồng lên đất của người kia dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài nhưng cuối cùng cũng được giải quyết bằng cái kết có hậu.

(VLO) Do sơ sót của cơ quan chức năng, một phần diện tích đất của người này được cấp chồng lên đất của người kia dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài nhưng cuối cùng cũng được giải quyết bằng cái kết có hậu.

Do làm ăn thất bại, chủ một thửa đất ở TP Vĩnh Long đã tách thửa chuyển nhượng lại cho 3 người khác. Trong đó, ông P.T.Đ.E. nhận chuyển nhượng thửa 167 (500,6m2), còn bà V.N.H. nhận chuyển nhượng thửa 169 (109,3m2).

Theo lời trình bày của ông E.: Khi ông nhận chuyển nhượng đất có cả phần lối đi và sử dụng lối đi này từ năm 2011.

Sau đó, bà H. cho rằng phần đất ông E. nhận chuyển nhượng có đường đi ngang 1,02m (dài gần 96m) nhưng trên giấy chứng nhận QSDĐ chiều ngang đến 2,04m nên yêu cầu ông E. trả lại tổng diện tích đất lấn chiếm là 109,3m2.

Tuy nhiên, do bên nào cũng cho phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của mình vì đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận nên cấp cơ sở hòa giải không thành phải đưa ra tòa giải quyết.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long công nhận bà H. là chủ sử dụng hợp pháp phần đất tranh chấp và tuyên buộc ông E. trả lại cho bà H. 109,3m2 đất lấn chiếm làm lối đi.

Ông E. không đồng ý vì lối đi này có diện tích đúng trên giấy chứng nhận QSDĐ được cấp và gia đình ông đã sử dụng ổn định từ ngày nhận chuyển nhượng.

Sau đó, ông E. gửi đơn kháng cáo yêu cầu được sử dụng phần đất tranh chấp để làm lối đi chung cho dân xung quanh và sẽ trả giá trị đất cho bà H. theo giá của hội đồng định giá.

Căn cứ vào các chứng cứ đã thu thập được, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng: Theo trích lục bản đồ địa chính thì thửa đất bà H. đang sử dụng (109,3m2) phù hợp với kích thước được ghi nhận trên giấy chứng nhận QSDĐ.

Còn diện tích đất trên giấy chứng nhận QSDĐ của ông E. tăng hơn so với kích thước tại trích lục bản đồ địa chính ngày 4/12/2017 nên không phù hợp.

Qua đó, cho thấy cùng một lối đi có diện tích chung 109,3m2 nhưng cả ông E. và bà H. đều được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Tại Công văn số 3357/STNMT ngày 8/10/2020, Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Vĩnh Long cũng xác nhận đã sai sót trong khâu biên tập kích thước các cạnh vào hình thể thửa đất cấp cho ông E..

Bản thân ông E. cũng thừa nhận khi xảy ra tranh chấp mới biết cả ông và bà H. được cấp QSDĐ chồng lên lối đi này.

Xét về nhu cầu sử dụng lối đi, do trước đây bà H. có một thửa đất phía trong nên phải sử dụng lối đi này để ra đường công cộng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà H. thừa nhận đã bán phần đất đó. Do vậy, bà H. không có nhu cầu sử dụng phần đất tranh chấp để làm lối đi.

Trong khi ông E. có nhu cầu sử dụng lối đi trên thửa 169, nếu buộc ông E. trả lại đất cho bà H. như án sơ thẩm đã tuyên thì phần diện tích đất còn lại không đảm bảo nhu cầu làm lối đi chung ra đường chính.

Do đó, HĐXX chấp nhận kháng cáo của ông E. và tuyên ông E. được quyền sử dụng phần đất tranh chấp để làm lối đi chung cho dân trong khu vực và ông E. phải có nghĩa vụ trả cho bà H. giá trị phần đất lối đi tương đương hơn 25,1 triệu đồng.

Vậy là rắc rối sau bao năm vì một sơ sót của cơ quan chức năng, cuối cùng cũng được giải quyết bằng cái kết có hậu.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh