
Thời gian qua, nhiều vụ hàng hóa nhập khẩu không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về nhãn hàng hóa,… đã bị ngành chức năng phát hiện vận chuyển trên khâu lưu thông ngang qua địa phận Vĩnh Long. Trong đó có nhiều vụ vi phạm với quy mô lớn.
![]() |
Nhiều vụ vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phát hiện trên khâu lưu thông. |
(VLO) Thời gian qua, nhiều vụ hàng hóa nhập khẩu không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về nhãn hàng hóa,… đã bị ngành chức năng phát hiện vận chuyển trên khâu lưu thông ngang qua địa phận Vĩnh Long. Trong đó có nhiều vụ vi phạm với quy mô lớn.
Vi phạm còn nhiều
Ông Lê Thanh Phong- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh- cho biết: các hành vi vi phạm phổ biến về ghi nhãn hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn hiệu, giả về giá trị sử dụng, công dụng, kém chất lượng…
Các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm đóng gói, thực phẩm bổ sung, nón bảo hiểm, phụ kiện điện thoại,…
Bên cạnh đó, Đội QLTT số 4 (đội cơ động thuộc Cục QLTT tỉnh) phát hiện nhiều phương tiện vận tải đường bộ từ nơi khác đi ngang qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long vận chuyển hàng hóa nhập khẩu không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về nhãn hàng hóa,… Các vụ việc vi phạm phát hiện đều được xử lý kịp thời, đúng theo quy định pháp luật.
Theo đó, ngay từ đầu năm 2021, để bình ổn thị trường, lực lượng chức năng đã chủ động đẩy mạnh công tác kiểm tra hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm về hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, mới đây, ông Bùi Văn Chọn- Đội trưởng Đội QLTT số 4- cho hay: Qua thực hiện các biện pháp nghiệp vụ thu thập, thẩm tra xác minh, đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều phương tiện ô tô tải vận chuyển hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh về Bạc Liêu, Cà Mau ngang địa phận tỉnh Vĩnh Long.
Qua kiểm tra nhiều phương tiện vận tải, đã phát hiện vận chuyển số lượng hàng hóa ngoại nhập không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh (thành viên BCĐ 389 tỉnh), trong đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cũng đã phát hiện và xử lý 7 đối tượng vận chuyển hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; 1 đối tượng vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu với số lượng 980 bao các loại, tiếp tục khám xét tại nhà đối tượng phát hiện thêm gần 6.000 bao thuốc các loại.
Siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra
Theo nhận định của BCĐ 389 tỉnh, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, hàng gian, không rõ nguồn gốc thời gian qua còn diễn biến phức tạp.
Các đối tượng vi phạm chủ yếu là các lái xe vận chuyển hàng hóa vi phạm đi qua địa bàn với các thủ đoạn tinh vi, như: vận chuyển hàng hóa trên ô tô du lịch, ô tô con, xé lẻ hàng hóa để vận chuyển trên nhiều loại phương tiện khác nhau; gia cố hầm hàng, ghế ngồi của phương tiện hoặc lợi dụng các mặt hàng nhập khẩu cồng kềnh để cất giấu hàng lậu, hàng giả, hàng cấm; lợi dụng đêm tối, đi bằng các đường mòn, lối tắt để vận chuyển hàng và các đối tượng này luôn có phương án đối phó với hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Đối với hàng thuốc lá lậu, khi bị kiểm tra phát hiện, các đối tượng này sẵn sàng vứt hàng để phi tang và chống trả quyết liệt.
Đó là chưa kể, hiện nay, kênh bán hàng online ngày càng phát triển, các đối tượng đã lợi dụng vận chuyển hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.
Trước thực trạng trên, để thực hiện tốt công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, ông Lê Thanh Phong cho biết: Sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình diễn biến của thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lưu thông qua địa bàn, ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với hành vi vi phạm.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, không sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.
Chỉ tính trong tháng 2/2021, Cục QLTT tỉnh đã xử lý 26 vụ vi phạm với 28 hành vi vi phạm, thu phạt trên 530 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 450 triệu đồng. Trong đó, phát hiện 4 vụ mua bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, tịch thu 485 bao thuốc lá điếu nhập lậu; 5 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, mỹ phẩm, điện thoại di động và thức ăn cho cá; 13 vụ kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, nhãn hàng hóa ghi không đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa, bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với công bố áp dụng, 1 vụ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. |
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin