Đất cha mẹ cho, anh em sử dụng đã nhiều năm nhưng khi đo đạc xác định ranh giới thì phát sinh tranh chấp. Cuối cùng, người em thua kiện vì không đủ chứng cứ chứng minh phần đất tranh chấp là tài sản của mình.
(VLO) Đất cha mẹ cho, anh em sử dụng đã nhiều năm nhưng khi đo đạc xác định ranh giới thì phát sinh tranh chấp. Cuối cùng, người em thua kiện vì không đủ chứng cứ chứng minh phần đất tranh chấp là tài sản của mình.
Ông P.V.L. (SN 1953) và P.V.Đ. (SN 1960- cùng ở TP Vĩnh Long) là anh em ruột, được cha mẹ chia đất liền kề nhau. Sau đó, ông L. thực hiên việc kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) theo quy định pháp luật.
Còn ông Đ. nghĩ chỗ anh em nên đã ký vào biên bản xác định ranh giới mà không quan tâm nội dung. Đến khi cơ quan chức năng tiến hành đo đạc thì anh em tranh chấp phần đất giáp ranh diện tích 63,8m2.
Theo đơn khởi kiện của ông L. thì phần đất tranh chấp thuộc thửa 254, do cha ông cho vào năm 1980 và gia đình ông đã được cấp QSDĐ. Quá trình sử dụng, Nhà nước 2 lần thu hồi một phần đất của ông L. để làm đường và khu dân cư. Phần đất còn lại, ông L. tách làm 3 phần tặng cho mỗi người con khoảng 120m2.
Ông L. khẳng định phần đất này là của gia đình ông sử dụng từ trước đến nay. Sau khi Nhà nước thu hồi đất và giải tỏa làm lộ thì con gái ông Đ. đến xin cất nhà tạm để bán quán ăn và nước giải khát. Ông L. nghĩ tình bác cháu nên đã đồng ý nhưng khi ông xác định lại ranh giới thì ông Đ. có hành vi cản trở không cho cơ quan chức năng đo đạc.
Do đó, ông L. yêu cầu tòa xác định ranh giới, mốc giới thửa đất của ông với ông Đ. và buộc con gái ông Đ. phải di dời tài sản, vật kiến trúc trả lại QSDĐ cho ông.
Trong đơn phản tố, ông P.V.Đ. cũng khẳng định nguồn gốc đất tranh chấp là của cha ông cho vào năm 1983 và gia đình ông đã sử dụng từ đó đến nay nhưng qua các lần đo đạc, ông Đ. không kê khai phần đất tranh chấp này mà là ông L. kê khai.
Ông Đ. cũng thừa nhận đã ký vào biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất vì nghĩ tình nghĩa anh em, hơn nữa phần đất này ông đang quản lý, sử dụng “có ký cũng không sao”.
Nay ông L. kiện đòi phần đất này, ông Đ. không đồng ý nên yêu cầu tòa hủy giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông L. và công nhận diện tích đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của ông.
Quá trình giải quyết vụ việc, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long và TAND tỉnh Vĩnh Long đều nhận định: sau khi Nhà nước thu hồi một phần đất, ngày 28/4/2014, ông L. có làm đơn đề nghị cấp đổi lại giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích 63,8m2 thuộc thửa 254 và được Văn phòng Đăng ký QSDĐ TP Vĩnh Long xác nhận đủ điều kiện cấp đổi giấy chứng nhận nên ngày 15/8/2017, hộ ông L. được Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận QSDĐ thửa 254.
Như vậy, ông L. đã kê khai, đăng ký phần đất tranh chấp từ trước đến nay và tại biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất, ông Đ. cũng đã ký tên xác nhận chủ giáp cận nên việc ông L. sử dụng 63,8m2 đang tranh chấp là hoàn toàn hợp pháp.
Việc ông Đ. cho rằng diện tích đất 63,8m2 có nguồn gốc từ cha ruột cho ông từ trước năm 1983 và gia đình ông sử dụng ổn định từ đó đến nay nhưng ông không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh.
Ngoài ra, công văn ngày 22/10/2019 của Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Vĩnh Long cũng xác nhận, qua các lần đo đạc đều ghi nhận ông Đ. không đứng tên thửa đất 254.
Hơn nữa, theo quy định tại Điều 170 của Luật Đất đai thì người sử dụng đất phải có nghĩa vụ thực hiện việc kê khai đăng ký đất. Ông Đ. cho rằng đã sử dụng 63,8m2 đất nói trên từ năm 1983 đến nay nhưng không kê khai đăng ký là chưa đúng quy định.
Còn ông L. đã kê khai, đăng ký và được cấp QSDĐ đúng quy định pháp luật nên việc ông Đ. yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho ông L. để công nhận phần đất tranh chấp cho ông là không có cơ sở chấp nhận.
Do đó, HĐXX cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên ông Đ. thua kiện và buộc ông Đ. phải trả lại phần đất tranh chấp cho ông L.
Chắc hẳn sau vụ kiện, tình cảm giữa ông L. và ông Đ. sẽ không còn như xưa nhưng điều nhiều người lấy làm tiếc là nếu như ngay từ đầu, ông Đ. cùng ông L. thực hiện việc kê khai đăng ký QSDĐ cha mẹ cho để phân rõ mốc ranh giới thì đã không xảy ra tranh chấp để tình cảm anh em phải sứt mẻ.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin