Gần tết coi chừng "kiểng tặc"

06:01, 02/01/2021

"Kiểng tặc" là tên gọi một cách nôm na những kẻ xấu lấy cắp các loại sinh vật cảnh như bon sai, chậu mai, chim, cá,.... Tuy giá trị tài sản không lớn nhưng tệ nạn này gây nhức nhối, ám ảnh những người yêu thích và nuôi trồng sinh vật cảnh- nhất là trong dịp tết đến xuân về.

 

Một chậu lộc vừng bị khóa bằng dây xích để chống “kiểng tặc” .
Một chậu lộc vừng bị khóa bằng dây xích để chống “kiểng tặc” .

(VLO) “Kiểng tặc” là tên gọi một cách nôm na những kẻ xấu lấy cắp các loại sinh vật cảnh như bon sai, chậu mai, chim, cá,.... Tuy giá trị tài sản không lớn nhưng tệ nạn này gây nhức nhối, ám ảnh những người yêu thích và nuôi trồng sinh vật cảnh- nhất là trong dịp tết đến xuân về.

Không có gì “thất vọng” và “ngán ngẫm” cho bằng, sớm ngủ dậy, ra vườn thì mấy chậu mai sắp trổ hoa không cánh mà bay hay con chim quý trong lồng biến mất. Để chống “kiểng tặc”, có người “cẩn thận” còn “khóa” các chậu kiểng của mình bằng cách xích vào trụ, cột…

Tuy vậy, có nơi, có lúc bọn “kiểng tặc” chỉ nhổ cây hay dùng kềm “cộng lực” để cắt khóa, xích đi là “xong ơ”. Bởi vậy mà hiện nay ta hay bắt gặp nhiều cây kiểng có dáng thế rất đẹp, được trồng trong những cái chậu cũng khá bắt mắt thế nhưng lại bị xiềng bằng năm bảy sợi xích to đùng trông rất “nhức mắt”.

Ngoài ra, các nghệ nhân muốn cây bon sai, cây cảnh của mình có giá trị cần đạt những tiêu chí như dáng, thế và tuổi đời của cây, cây càng cằn cỗi, dáng, thế càng đẹp, càng kỳ quái thì giá trị càng cao chứ không nhất thiết là cây phải to, cao như cổ thụ.

Chính những tiêu chí “thấp bé” nhưng nặng về mặt giá trị này, mà những cây cảnh bonsai nhỏ, nhẹ từ mười ký đổ lại luôn được bọn “kiểng tặc” để mắt tới, bởi dễ lấy, dễ vận chuyển và cũng dễ tiêu thụ. Những loại cây mà bọn trộm hay nhắm đến là mai, me, sung, tùng, khế,…

Còn nhớ mấy năm trước, ông Nguyễn T. ở phường Khuê Trung (Cẩm Lệ- Đà Nẵng) đã bị “kiểng tặc” đột nhập vào vườn mai của ông, lấy đi một số “lão mai” lại đánh ông bị thương vào mắt phải đi nằm viện trong những ngày giáp tết, không những mất của mà lại mang thương tích, đau đớn lúc “Tết đến xuân về”.

Và cũng cách đây mấy năm, tại số nhà 16 Lê Bá Trinh (Hải Châu- TP Đà Nẵng), gần tết mất hàng chục con chim quý, trị giá hơn 20 triệu đồng.

Chỉ mới đây thôi, vào đêm 24 rạng 25/11/2020, tại vườn cây cảnh của ông Nguyễn Văn Chấn nằm gần giao lộ Thăng Long- Lê Thanh Nghị (thuộc phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu- TP Đà Nẵng) đã bị kẻ gian lấy cắp 9 cây bon sai nhiều năm tuổi trị giá khoảng 200 triệu đồng.

Ông Chấn tâm sự: “Đối với người có niềm đam mê chơi cây cảnh, thì khi gặp được một tác phẩm đẹp, họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn từ vài triệu đến vài chục triệu để được sở hữu. Còn với “kiểng tặc” thì khi trộm được, chúng bán đổ bán tháo với giá chỉ vài trăm ngàn một cây.

Song, giá mà đừng ai ham rẻ mà mua, thì bọn “kiểng tặc” này phải “bó tay”. Xuân đến tết về mà bị mất các tác phẩm quý giá sẽ không vui chút nào.

Vậy nên bà con chúng ta ráng mà lo giữ cây kiểng để không bị mất vui mấy ngày xuân về. Còn mấy “anh chị kiểng tặc” cũng nên suy nghĩ lại, ngày tết mà bị bắt vô nhà đá thì lạnh lẽo lắm đó!

Hàng năm, cứ đến giáp Tết cổ truyền, bọn “kiểng tặc” bắt đầu hoạt động mạnh. Ban ngày, các đối tượng chia nhau thăm dò, khảo sát một số nhà dân hay công sở trồng cây cảnh có giá trị, chủ yếu là cây sanh, sau đó “khoanh vùng” để tối đến thì trộm.

Tùy theo tình hình, bọn chúng có từ 1 đến 2 người. Cây kiểng nhẹ nhàng thì chúng dùng xe máy chuyển đi, gặp “kiểng” nhiều, nặng, thì dùng các loại xe khác để chở. Các căn nhà vắng người, các nơi công cộng... các hộ không cảnh giác luôn là mục tiêu để bọn chúng “viếng thăm”.

Để tránh tình trạng mất các loại sinh vật cảnh nói trên, các công sở, trường học, hộ gia đình, các vườn sinh vật cảnh... nên đề cao cảnh giác về tình trạng mất cắp cây cảnh nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và góp phần đấu tranh đẩy lùi tội phạm.

Ngoài ra, vào những ngày giáp tết, đề nghị lực lượng chức năng luôn tuần tra truy bắt, xử lý nghiêm minh đồng thời các cơ sở, nhà vườn, người dân không nên mua cây cảnh có nguồn gốc không rõ ràng với.

Bài, ảnh: TIÊN SA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh