Kiện hàng xóm đòi mở lối đi để thuận lợi trong việc nuôi heo và quản lý nhà trọ nên bị tòa bác đơn vì yêu cầu vô lý, không có căn cứ chấp nhận.
Kiện hàng xóm đòi mở lối đi để thuận lợi trong việc nuôi heo và quản lý nhà trọ nên bị tòa bác đơn vì yêu cầu vô lý, không có căn cứ chấp nhận.
Năm 1990, khi nhận chuyển nhượng thửa đất 245 và 246 ở đường Nguyễn Văn Lâu (Phường 8- TP Vĩnh Long), bà D.T.L. phải đi qua con hẻm tráng xi măng ngang 2,3m, dài 9,5m thuộc thửa đất 254 của hộ bà N.T.D.H. để ra đường công cộng.
Đến năm 2017, khi Nhà nước mở rộng đường Nguyễn Văn Lâu thành lộ nhựa thì hộ bà H. đòi rào lại con hẻm. Bà L. cho rằng 2 thửa đất của bà hiện bị bao quanh bởi các thửa đất khác, không có lối đi nào thuận tiện để ra đường công cộng nên đã gửi đơn khởi kiện yêu cầu tòa buộc bà H. cho bà được sử dụng lối đi cũ và đồng ý trả cho phía bà H. giá trị quyền sử dụng đất bằng 60 triệu đồng.
Bị đơn bà N.T.D.H (đại diện cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) trình bày: Trước đây, bà H. có cho gia đình bà L. đi nhờ trên phần đất diện tích 22,5m2 để ra đường công cộng. Khi Nhà nước mở rộng đường Nguyễn Văn Lâu thì các thửa đất của bà H. và bà L. đều tiếp giáp với đường này nên việc bà L. cho rằng không có lối đi nào thuận tiện để ra đường công cộng là không đúng. Do đó, bà H. không đồng ý mở lối đi cho bà L. trên phần đất của mình.
Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà L. và buộc bà H. phải mở lối đi trên phần đất diện tích 22,5m2 cho gia đình bà L. ra đường công cộng. Bà L. có nghĩa vụ đền bù thiệt hại giá trị đất cho hộ bà H. là 22,5 triệu đồng.
Không đồng tình với phán quyết trên, bà H. gửi đơn kháng cáo và nêu rõ: Các thửa đất của bà H., bà L. và nhiều hộ trong khu vực có đất giáp kinh công cộng đều được chính quyền địa phương cho bắc cầu bê tông cốt thép qua kinh để ra đường Nguyễn Văn Lâu. Hiện tất cả các hộ trong khu vực đều bắc cầu qua kinh công cộng để ra đường Nguyễn Văn Lâu có tải trọng 10 tấn lưu thông rất thuận lợi.
Riêng gia đình bà L. không chịu bắc cầu mà đòi đi qua phần đất của bà H. là vô lý. Nếu mở lối đi cho bà L. theo như bản án sơ thẩm đã tuyên thì thiệt hại gây ra cho gia đình bà H. là rất lớn. Vì thửa đất 254, gia đình bà H. đã cho thuê làm sân bóng đá mi ni mỗi tháng 8,5 triệu đồng. Nếu mở lối đi cho bà L. thì giá cho thuê giảm còn 8 triệu đồng và bị cắt mất một góc của thửa 254.
Trong khi bà L. yêu cầu mở lối đi chỉ để thuận tiện cho việc chăm sóc heo nuôi trong chuồng và dễ quản lý 11 căn phòng trọ cho thuê hàng tháng. Việc lấy thiệt hại của gia đình bà H. phục vụ cho lợi ích cá nhân của bà L. là điều khó chấp nhận nên bà H. yêu cầu cấp phúc thẩm bác đơn khởi kiện của bà L., gia đình bà sẽ hỗ trợ 15 triệu đồng cho bà L. xây cầu bắc qua kinh công cộng ra đường Nguyễn Văn Lâu.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra tại tòa, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định: sau khi Nhà nước mở rộng đường Nguyễn Văn Lâu thì các hộ dân chuyển sang đi đường nhựa, chỉ còn gia đình bà L. đi trên phần đất của bà H.
Tại tòa, cả nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận mục đích bà L. yêu cầu mở lối đi là để cho bà L. thuận tiện trong việc nuôi heo và quản lý nhà trọ, còn căn nhà bà L. đang ở được xây dựng tiếp giáp với đường công cộng không bị vây bọc bởi thửa đất 254 của bà H.
Bản thân bà H. và nhiều hộ trong khu vực có đất giáp kinh công cộng đều được chính quyền địa phương cho bắc cầu bê tông cốt thép qua kinh để ra đường nhựa Nguyễn Văn Lâu, chỉ riêng hộ bà L. là không chịu bắc cầu qua kinh mà đòi mở lối đi qua phần đất của bà H..
Theo quy định tại khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi”.
Thực tế, ngoài lối đi qua phần đất tranh chấp thì bà L. vẫn có một lối đi khác thuận tiện hơn là xây dựng cầu bê tông cốt thép bắc từ đất của bà L. qua kinh công cộng để ra đường Nguyễn Văn Lâu giống như bà H. và các hộ trong khu vực nên yêu cầu được mở lối đi trên phần đất người khác chỉ để phục vụ cho việc nuôi heo và quản lý nhà trọ của bà L. là không có căn cứ chấp nhận.
Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên bác đơn khởi kiện của bà L. về việc yêu cầu mở lối đi trên phần đất của hộ bà H. Sau khi tòa tuyên án, bà L. được quyền sử dụng tạm thời lối đi trên diện tích 22,5m2 của bà H. trong thời hạn 6 tháng. Đồng thời buộc gia đình bà H. có nghĩa vụ hỗ trợ cho bà L. 15 triệu đồng để xây cầu bắc qua kinh công cộng ra đường Nguyễn Văn Lâu.
Xưa nay, việc tranh chấp lối đi là nhằm mục đích phục vụ cho việc đi lại nên câu chuyện trên rõ ràng là vô lý nhưng người trong cuộc vẫn mất thời gian đi lại khiếu kiện. Đây là bài học mà cấp cơ sở cần tuyên truyền để người dân nắm rõ quy định pháp luật tránh việc kiện tụng mất thời gian, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin