Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đang xảy ra tại nhiều địa phương, gây mất an ninh trật tự, bất an trong nhân dân. Gần đây, "tín dụng đen" lại có thêm nhiều chiêu trò nhằm "lách luật", qua mắt lực lượng chức năng.
Người dân cần hết sức cảnh giác khi vay tiền theo thông tin từ các tờ rơi được phát ngoài đường, quán xá. Ảnh minh họa |
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đang xảy ra tại nhiều địa phương, gây mất an ninh trật tự, bất an trong nhân dân. Gần đây, “tín dụng đen” lại có thêm nhiều chiêu trò nhằm “lách luật”, qua mắt lực lượng chức năng.
Thủ đoạn tinh vi, manh động
Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Vĩnh Long) hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh chủ yếu là phát tờ rơi quảng cáo ở nơi công cộng hoặc vào các quán cà phê chào mời khách hàng.
Một số đối tượng hoạt động rất tinh vi bằng cách in trên các tờ rơi quảng cáo là dịch vụ “cho mượn” thay vì “cho vay” để đánh lừa người dân. Gần đây, “tín dụng đen” vươn “vòi bạch tuộc” về nông thôn, nơi có nhiều người khó khăn, không thể vay mượn cá nhân hoặc tổ chức tín dụng nào khác.
Khi người dân có nhu cầu vay tiền thì phải thế chấp sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân. Tiếp đến, bên cho vay sẽ đến nhà xác minh địa chỉ, mức cho vay tối thiểu là 2 triệu đồng.
“Nếu vay được 2 triệu đồng thì người vay chỉ được nhận 1,8 triệu đồng, do bị trừ chi phí làm hồ sơ và tính luôn tiền lãi trả trước. Sau đó, mỗi ngày phải trả góp 100.000đ trong vòng 24 ngày và nếu góp được đến ngày thứ 12 thì tiếp tục được vay lại đến khi nào góp đủ”- một lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự thông tin về thủ đoạn của “tín dụng đen”.
Trường hợp không có khả năng trả nợ, người nợ sẽ bị bọn cho vay nặng lãi đe dọa, gây áp lực tinh thần như tạt sơn, mắm tôm, khiến họ luôn phập phồng, sợ hãi.
Tuy nhiên, khi bị công an mời làm việc, các đối tượng “đen” này đều thừa nhận hành vi nhưng pháp luật chưa quy định chế tài xử lý, dẫn đến việc không thể tạm giữ để phục vụ quá trình điều tra. Được thả tự do, các đối tượng chuyển đến địa bàn khác hoạt động và tiếp tục gây mất an ninh trật tự.
Cuối tháng 8/2020, Công an thị trấn Vũng Liêm tiếp nhận trình báo của chị N.T.A.Đ. (ngụ xã Trung Hiệp) về việc bị 2 thanh niên hành hung vì trước đó chị có vay của họ một số tiền nhưng chưa trả hết. Vừa báo công an ngày hôm trước thì hôm qua chị Đ. lại nhận được điện thoại yêu cầu trả nợ. Lo sợ lại bị đánh, chị Đ. tiếp tục đến công an trình báo.
Sau khi xác minh, lực lượng công an đã mời 2 người này làm việc, đó là Lê Văn Lợi (SN 1994, ngụ huyện Nghi Lộc- Nghệ An) và Phạm Quang Dũng (SN 1985, ngụ huyện Anh Sơn- Nghệ An).
Cả 2 cùng thuê trọ tại huyện Châu Thành (Trà Vinh) để sinh sống và hành nghề cho vay với lãi suất cao không cần thế chấp tài sản. Qua thẩm tra lý lịch phát hiện Lợi và Dũng từng bị Công an xã Hiếu Nhơn (Vũng Liêm) bắt giữ với hành vi cho vay theo hình thức tín dụng đen và đang chờ xử lý. Lợi và Dũng cũng thừa nhận có cho chị Đ. vay tiền và có hành vi đánh người phụ nữ này do không trả nợ đúng hẹn.
Cho thuê xe tự lái- chiêu trò mới của “tín dụng đen”
Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự (tín dụng đen) đã và đang trở thành vấn đề “nóng” được dư luận rất quan tâm và các cơ quan pháp luật các địa phương đã bắt, xử lý nhiều đối tượng. Để đối phó với cơ quan chức năng, một số đối tượng chuyên cho vay nặng lãi đã tìm mọi cách “lách luật” bằng hình thức “hợp đồng cho thuê xe tự lái”.
Theo điều tra của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Vĩnh Long), người nào có nhu cầu vay tiền sẽ mang xe gắn máy hoặc ô tô đến điểm kinh doanh “cho thuê xe tự lái” để… vay tiền. Thực tế, đây là chiêu trò trá hình của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” nhằm qua mắt lực lượng chức năng.
Tại đây, nhân viên sẽ xem qua tình trạng xe để định giá, đưa ra mức tiền được vay nhưng không quá 50% giá trị tài sản.
Khi người vay đồng ý với số tiền cho vay, nhân viên sẽ thu giữ giấy tờ xe, lập hợp đồng cho thuê xe, lập hợp đồng ủy quyền, với điều khoản: bên vay đồng ý giao cho bên cửa hàng hoặc công ty có quyền định đoạt đối với tài sản để 2 bên mang đến phòng công chứng hoặc chính quyền địa phương chứng thực. Tiếp đến, các đối tượng “tín dụng đen” sẽ làm thêm hợp đồng khác, có công chứng, chứng thực cho người vay thuê lại chiếc xe mà thực tế là tài sản của họ.
Tiền lãi cũng chính là giá cho thuê xe mà người vay phải trả góp hàng ngày theo lãi suất do các đối tượng “tín dụng đen” định đoạt.
Trước tình trạng tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Đồng thời, đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, huy động các phương tiện và triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm. Năm 2020, lực lượng công an đã triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, khởi tố điều tra trên 400 vụ, trên 700 bị can.
Qua điều tra, hầu hết đối tượng liên quan đến “tín dụng đen” trong độ tuổi thanh thiếu niên trong và ngoài tỉnh, không nghề nghiệp, có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, nghiện game và hoạt động rất tinh vi, chuyên nghiệp.
Cũng trong năm 2020, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Vĩnh Long) đã phối hợp công an các địa phương lập danh sách 2 đối tượng có biểu hiện cưỡng đoạt tài sản, 93 đối tượng có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”.
Đồng thời, xác minh, làm việc 5 đối tượng, kiểm tra hành chính 2 căn nhà có 9 đối tượng thuê ở và có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, thu giữ hơn 1.400 tờ rơi cho vay tiền, cùng nhiều giấy phép lái xe, hộ khẩu, chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ ghi chép tên người vay và số tiền vay,…
Bài, ảnh: TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin