Gom góp tiền bạc tích lũy chơi hụi hy vọng kiếm thêm đồng lời trang trải cuộc sống, nhiều hụi viên không ngờ bị chủ hụi giở trò gian dối trong thời gian dài mà không hề hay biết. Khi vỡ hụi, hụi viên mới tố cáo sự việc đến cơ quan chức năng thì đã quá muộn.
(VLO) Gom góp tiền bạc tích lũy chơi hụi hy vọng kiếm thêm đồng lời trang trải cuộc sống, nhiều hụi viên không ngờ bị chủ hụi giở trò gian dối trong thời gian dài mà không hề hay biết. Khi vỡ hụi, hụi viên mới tố cáo sự việc đến cơ quan chức năng thì đã quá muộn.
Hụi (họ, biêu, phường) là hình thức góp vốn xoay vòng trong nội bộ nhân dân, dựa trên sự tự nguyện giữa người chơi (hụi viên) và đầu thảo (chủ hụi).
Hụi thường mang tính tự phát, quá trình giao dịch là thỏa thuận dân sự nên cơ quan chức năng và chính quyền khó quản lý. Do không nắm rõ quy định của pháp luật nên khi vỡ hụi, người dân mới biết và trình báo cơ quan chức năng.
Thực tế, có chủ hụi rất nghiêm túc, minh bạch trong việc điều hành các dây hụi. Cũng có trường hợp hụi viên hốt nhưng không đóng hụi chết nên chủ hụi phải đóng bù, lâu dài dẫn đến mất cân đối tài chính. Khi vỡ hụi, chủ hụi đã chuẩn bị sẵn đường “cao bay xa chạy” và thách thức các hụi viên khởi kiện ra tòa.
Hơn 20 năm làm chủ hụi, đến năm 2011, vì tuổi cao sức yếu nên bà Trần Thị Lẹ (SN 1935, ngụ Vũng Liêm) “bàn giao” các dây hụi cho con dâu là Trương Thị Pha (SN 1971) quản lý. Hụi viên hầu hết là những người quen biết gia đình Pha ở địa phương nên đến kỳ khui hụi không tham gia mà “ủy quyền” cho Pha bỏ thăm giùm.
Mấy năm sau, Pha bất ngờ tuyên bố vỡ hụi khiến nhiều hụi viên “chết đứng”. Làm việc với cơ quan điều tra, Pha khai nhận đã lợi dụng sự tin tưởng của hụi viên, tự ý lấy tên những người này để kêu hốt hụi.
Ngoài ra, đầu thảo này còn kê khống tên hụi viên không có thật vào các dây hụi để hốt nhiều dây hụi khác, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Sau khi hốt hụi, Pha đóng lại “hụi chết” ở các kỳ sau nên hành vi lừa đảo này diễn ra trong thời gian dài mà nhiều hụi viên không phát hiện.
Cũng vì tin tưởng chủ hụi nên các kỳ khui hụi, bà T.T.B.Q. (Phường 4- TP Vĩnh Long) không tham gia đầy đủ mà “ủy quyền” nhờ chủ hụi Phạm Thị Thuận (SN 1958, ngụ Mang Thít) bỏ thăm giùm.
Bà Q. kể: “Tôi tham gia hụi tháng 10 triệu đồng bắt đầu từ tháng 7/2015. Hàng tháng, bà Thuận khui hụi tại nhà, tôi thì ở xa nên ít khi tham dự mà nhờ bỏ thăm giùm, kết quả thế nào thì bà Thuận điện thoại cho hay”. Bà Q. còn cho biết thêm, dây hụi này có 23 hụi viên tham gia 47 phần hụi.
Đến tháng 5/2019, bà Q. hay tin bà Thuận tuyên bố vỡ hụi nên cùng các hụi viên khác tố cáo sự việc đến cơ quan chức năng, yêu cầu xử lý theo pháp luật và buộc chủ hụi phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt.
Theo điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh), với thủ đoạn lợi dụng lòng tin, sơ hở của các hụi viên, chủ hụi đã tự ý lấy tên của 8 hụi viên trong 5 dây hụi để kêu hốt 24 phần hụi và kê khống 10 hụi viên không có thật vào 8 dây hụi với 30 phần hụi, chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng.
Riêng dây hụi khui vào tháng 7/2015, bà Thuận đã kê khống tên 3 hụi viên không có thật và tự ý lấy tên của 6 hụi viên để kêu hốt hụi, chiếm đoạt hơn 1,7 tỷ đồng.
Riêng bà Q. bị chủ hụi tự ý lấy tên kêu hốt hụi trong lần khui hụi thứ 21, chiếm đoạt hơn 169 triệu đồng. Vừa qua, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Thuận 13 năm tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tương tự, trường hợp của chị T.T.K.N. (xã Long Phước- Long Hồ) cũng vì tin tưởng chủ hụi mà mất trắng hơn 300 triệu đồng. Chị N. kể: “Có lần tôi nghe bạn bè “rỉ tai” về một “đầu thảo” ở TP Vĩnh Long làm ăn uy tín nên gom góp tiền bạc đầu tư.
Bà này bề ngoài nhìn sang trọng, giàu có, không ngờ âm thầm lừa đảo mà không ai nghi ngờ, hay biết”. Chị N. nhớ lại: “Có lần cần vốn kinh doanh, tui đăng ký xin hốt trước nhưng chủ hụi nói hụi tháng đó đã khui rồi, tưởng thật nên tôi tìm cách vay tiền nơi khác. Đến khi vỡ hụi và công an điều tra mới biết chủ hụi lập hụi khống lừa đảo hụi viên”.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin