Hóa giải mâu thuẫn sau phiên tòa

11:09, 08/09/2020

Tình chị em sứt mẻ chỉ vì một lối đi và mâu thuẫn kéo dài hơn 3 năm giải quyết bằng một phiên tòa.

Tình chị em sứt mẻ chỉ vì một lối đi và mâu thuẫn kéo dài hơn 3 năm giải quyết bằng một phiên tòa.

Bà N.T.Đ. và L.T.L. (cùng trú phường Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) là chị em, có nhà và đất ở cạnh nhau. Năm 2016, khi phát hiện các cột mốc giữa ranh đất của mình và chị bị mất, bà Đ. đã nhờ cơ quan chức năng đo đạc lại.

Đến ngày 24/12/2016, khi bà L. xây bức tường bằng gạch lấn qua đất bà Đ. thì chị em phát sinh mâu thuẫn phải nhờ tòa phân xử.

Cụ thể, trong đơn gửi TAND TP Vĩnh Long, bà Đ. trình bày: Thửa đất số 425 do bà và con gái đứng tên liền kề với thửa đất số 134 của bà L.

Khi phát hiện bà L. xây bức tường lấn qua đất của mình, bà Đ. có yêu cầu tháo dỡ nhưng không được chấp nhận nên khởi kiện ra tòa đòi lại phần đất bà L. lấn chiếm gồm không gian mái tôn 24,6m2 và đường tráng xi măng 41,17m2.

Bà L. không đồng ý với yêu cầu trên và cho rằng: Căn nhà bà đang ở giáp với đường đi và phía sau có xây 4 căn nhà trọ. Do thửa đất hẹp, không có lối đi riêng cho các hộ thuê trọ nên bà L. đã thỏa thuận với bà Đ. chuyển nhượng phần đất ngang 1m, dài 43,5m với giá 40 triệu đồng để làm lối đi.

Vì là chị em nên khi chuyển nhượng, bà L. không làm hợp đồng và khi giao nhận tiền cũng không viết biên nhận.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà L. trả lại phần đất lấn chiếm diện tích 43,7m2, tháo dỡ mái tôn và giao cho bà Đ. sử dụng đường tráng xi măng diện tích 41,17m2. Bà Đ. có trách nhiệm hoàn lại giá trị đường tráng xi măng cho bà L. bằng số tiền hơn 1,7 triệu đồng.

Sau xét xử sơ thẩm, bà L. kháng cáo yêu cầu được đi trên đường xi măng thuộc thửa đất của bà Đ. và không phải trả tiền chi phí khảo sát đo đạc. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 8/5/2020, bà L. thay đổi kháng cáo, yêu cầu được sử dụng diện tích đất tranh chấp làm lối đi chung cho 2 chị em và đồng ý trả thiệt hại về lối đi bằng 1/2 giá trị đất theo mức giá của hội đồng định giá.

Xét nguồn gốc đất tranh chấp được bà L. thừa nhận là của bà Đ. Quá trình sử dụng, bà L. xây nhà trọ phía sau và cho các hộ thuê sử dụng làm lối đi để ra đường công cộng.

Thực tế, đất của bà L. phía trước là nhà ở, phía sau có 4 căn nhà trọ, muốn ra đường công cộng thì các hộ thuê trọ phải sử dụng lối đi trên phần đất bà Đ.

Ngoài lối đi này không còn lối đi nào khác, nếu bà L. mở lối đi trên phần đất của mình sẽ phá vỡ căn nhà chính và 4 căn nhà trọ gây thiệt hại nhiều về giá trị tài sản.

Mặt khác, bà Đ. cũng sử dụng lối đi này để ra phía sau đất của mình nên việc cả 2 cùng sử dụng chung lối đi được coi là thuận tiện, ít gây thiệt hại nhất.

Do đó, HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận cho chị em bà Đ. được quyền sử dụng phần đất diện tích 43,7m2 thuộc thửa số 425 làm lối đi chung. Bà L. có nghĩa vụ trả cho em gái giá trị thiệt hại hơn 27,3 triệu đồng.

Đối với số tiền 40 triệu đồng chuyển nhượng đất, do bà L. không cung cấp được chứng cứ chứng minh và tại tòa, bà L. cũng đã rút lại yêu cầu để chị em bà tự giải quyết nên HĐXX không xem xét trong vụ án này.

Vậy là sau gần 4 năm căng thẳng, mâu thuẫn giữa chị em bà Đ. và bà L. đã được hóa giải. Kết quả này có được là nhờ sự giải quyết trên cơ sở pháp luật kết hợp hòa giải thấu tình, đạt lý của HĐXX để đôi bên nhận ra giá trị của 2 chữ “tình thâm” và cùng đi đến thống nhất chị em sử dụng chung lối đi trong vui vẻ, hài hòa.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh