Khi thực hiện việc chuyển nhượng, đôi bên dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) bản photo để ký thỏa thuận nên khi phát hiện tài sản được bán cho nhiều người, bị hại đã làm đơn khởi kiện.
Khi thực hiện việc chuyển nhượng, đôi bên dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) bản photo để ký thỏa thuận nên khi phát hiện tài sản được bán cho nhiều người, bị hại đã làm đơn khởi kiện.
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, bà T.T.H.L. (trú Phường 1- TP Vĩnh Long) trình bày: Ngày 13/2/2018, bà N.T.H.A. (ở Phường 4) có thỏa thuận chuyển nhượng cho bà L. 2 thửa đất với giá 800 triệu đồng. Bà A. có làm biên nhận là nhận của bà L. 360 triệu đồng tiền cọc, khi nào xong giấy tờ sẽ nhận tiếp 440 triệu đồng còn lại.
Điều đáng nói và cũng là nguyên nhân phát sinh rắc rối sau giao dịch đó là thời điểm làm biên nhận nhận cọc, bà A. chỉ đưa bản photo GCN QSDĐ với lý do “bản chính đang thế chấp ngân hàng” nhưng bà L. vẫn vui vẻ chấp nhận.
Đến khi phát hiện các thửa đất này đã được bà A. chuyển nhượng cho nhiều người trước đó, bà L. làm đơn tố cáo gửi Công an TP Vĩnh Long. Sau đó, cơ quan điều tra có văn bản trả lời hành vi của bà A. không có dấu hiệu tội lừa đảo nên bà L. khởi kiện ra tòa bằng vụ án dân sự, yêu cầu bà A. trả lại 360 triệu đồng và bồi thường 100% tiền cọc, tổng cộng 720 triệu đồng.
Quá trình giải quyết vụ việc, bà A. thừa nhận: Khoảng tháng 5/2016, do cần vốn làm ăn nên bà A. nhiều lần vay tiền của bà L. tổng cộng 180 triệu đồng, lãi suất 9 %/tháng. Đến tháng 6/2017, bà A. bị tai nạn không có khả năng trả vốn và lãi nên thỏa thuận thế chấp QSDĐ cho bà L.
Do tài sản đã thế chấp ngân hàng nên bà A. giao bản photo GCN QSDĐ và 2 bên chốt nợ vay 180 triệu đồng, lãi 180 triệu đồng, tổng cộng 360 triệu đồng chứ không phải tiền đặt cọc như lời bà L. tố cáo.
Xác định số tiền bà A. nợ bà L. là giao dịch dân sự nên TAND TP Vĩnh Long đã thụ lý vụ án và tại phiên xử sơ thẩm ngày 6/1/2020, HĐXX đã tuyên không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường 360 triệu đồng tiền cọc của bà L.; đồng thời buộc bà A. hoàn trả cho bà L. 360 triệu đồng theo biên nhận ngày 13/2/2018 và tiền lãi hơn 48,2 triệu đồng, tổng cộng hơn 408,2 triệu đồng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bà L. kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm buộc bị đơn bồi thường tiền phạt cọc 360 triệu đồng và xem xét lại số tiền án phí 18 triệu đồng bà phải chịu là không hợp lý.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và kết quả kiểm tra, tranh tụng tại tòa, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định: Mặc dù đã được tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 nhưng bà A. vẫn vắng mặt không lý do nên HĐXX tiến hành xử vắng mặt bị đơn theo quy định tại khoản 3, Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Quá trình xét xử, đại diện nguyên đơn xin rút lại yêu cầu đòi bồi thường tiền phạt cọc, chỉ yêu cầu bà A. trả số tiền đã nhận và lãi, tổng cộng hơn 408,2 triệu đồng. Tuy nhiên, yêu cầu này của nguyên đơn không được HĐXX chấp nhận vì theo quy định pháp luật, khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện phải có sự đồng ý của bị đơn.
Trong vụ án này, bà A. không có mặt tại tòa, HĐXX không hỏi ý kiến được nên không có căn cứ chấp nhận việc bà L. rút đơn khởi kiện.
Do đó, HĐXX đã đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo buộc bà A. bồi thường tiền phạt cọc 360 triệu đồng và sửa một phần án sơ thẩm là vô hiệu thỏa thuận đặt cọc ngày 13/2/2018, bà L. vẫn phải đóng án phí sơ thẩm nhưng giảm còn hơn 15,5 triệu đồng; đồng thời buộc bà A. phải trả cho bà L. số tiền đã nhận và lãi chậm thi hành án, tổng cộng hơn 408,2 triệu đồng.
Từ vụ việc trên cho thấy, giao dịch dân sự bằng một chứng từ photo dẫn đến rắc rối kéo dài trong nhiều năm là bài học không chỉ dành riêng cho bà L. mà còn là lời nhắc nhở để mọi người tránh lặp lại những sai lầm tương tự.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin