Tài xế tự ý rước khách ngoài quy định và gây tai nạn nên bị truy cứu trách nhiệm hình sự và còn bị chủ doanh nghiệp kiện đòi lại số tiền đã bồi thường cho các nạn nhân.
Tài xế tự ý rước khách ngoài quy định và gây tai nạn nên bị truy cứu trách nhiệm hình sự và còn bị chủ doanh nghiệp kiện đòi lại số tiền đã bồi thường cho các nạn nhân.
Anh D.T.S. là tài xế chạy xe thuê cho doanh nghiệp vận tải của ông H.T.L. (cùng ở TP Vĩnh Long) từ năm 2005. Ngày 17/7/2014, anh S. điều khiển ô tô của doanh nghiệp vận chuyển khách từ TP Vĩnh Long đi TP Hồ Chí Minh.
Trên đường đi, anh S. có rước thêm một số khách, đến huyện Bến Lức (Long An) thì xảy ra tai nạn. Sau đó, anh S. bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Về trách nhiệm dân sự, ông L. là chủ doanh nghiệp nên đã bồi thường thiệt hại cho 3 nạn nhân trong vụ tai nạn nói trên hơn 480 triệu đồng và được ghi nhận tại bản án sơ thẩm của TAND huyện Bến Lức.
Tuy nhiên, ngày 22/8/2018, ông L. gửi đơn khởi kiện đến TAND TP Vĩnh Long yêu cầu anh S. trả lại số tiền đã bồi thường “vì các hành khách bị nạn đều do tài xế S. tự ý rước trên đường vận chuyển”. Sau đó, ông L. chỉ yêu cầu anh S. trả 420 triệu đồng và đồng ý hỗ trợ hơn 60 triệu đồng còn lại.
Quá trình giải quyết vụ án, anh S. trình bày: Sau tai nạn, ông L. có bồi thường cho các nạn nhân hơn 480 triệu đồng nhưng đó là tiền do công ty bảo hiểm bồi thường theo hợp đồng khi tai nạn xảy ra chứ không phải tiền của ông L. Do đó, anh S. chỉ đồng ý trả lại cho ông L. 50 triệu đồng chứ không đồng ý hoàn trả 420 triệu đồng.
Tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 6/11/2019 của TAND TP Vĩnh Long đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông L., buộc anh S. hoàn trả cho ông L. 50 triệu đồng tiền bồi thường thiệt hại.
Không đồng ý với quyết định trên, ông L. gửi đơn kháng cáo nhưng tại phiên tòa phúc thẩm ngày 12/5/2020, ông L. thay đổi nội dung chỉ yêu cầu anh S. trả 200 triệu đồng, phần thiệt hại còn lại ông chịu toàn bộ nhưng với những khoản phí nếu công ty bảo hiểm có chi trả thì ông được hưởng.
Anh S. đồng ý với yêu cầu trên và điều làm cho những người theo đuổi vụ kiện cảm thấy nhẹ lòng đó là khi cái lý được giải quyết trên cơ sở “mỗi người chia sẻ một ít” thì nút thắt căng thẳng giữa ông L. và anh S. lập tức được tháo gỡ.
Cụ thể, ông L. và anh S. không chỉ thỏa thuận được số tiền bồi thường mà đôi bên còn chia nhau mỗi người nộp 50% án phí trong sự cởi mở, vui vẻ.
Xét sự thỏa thuận giữa ông L. và anh S. là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái với đạo đức xã hội nên HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Long đã công nhận sự tự thỏa thuận trên và sửa bản án sơ thẩm, buộc anh S. có nghĩa vụ trả cho ông L. số tiền đã bồi thường cho các nạn nhân trong vụ tai nạn là 200 triệu đồng.
Đối với những khoản phí do Công ty Bảo hiểm Bảo Minh chi trả, nếu có thì ông L. được hưởng và ông L. không được quyền khởi kiện lại do đã rút yêu cầu khởi kiện.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin