Lối đi chung trên đất ông bà để lại nhưng khi người chú xây nhà thì xảy ra tranh chấp với các cháu dẫn đến không thể giải quyết bằng tình phải nhờ luật pháp can thiệp.
Lối đi chung trên đất ông bà để lại nhưng khi người chú xây nhà thì xảy ra tranh chấp với các cháu dẫn đến không thể giải quyết bằng tình phải nhờ luật pháp can thiệp.
Trong đơn kiện gửi TAND TX Bình Minh, bà H.T.N.S. đại diện cho các em ở phường Đông Thuận (TX Bình Minh) trình bày: Chị em bà là cháu ruột gọi ông H.V.T. bằng chú. Sau khi cha mẹ bà qua đời (lần lượt vào các năm 1992 và 2006) thì chị em bà ngăn đôi căn nhà cha mẹ để lại. Phía trước do em trai bà S. quản lý và vẫn giữ nguyên hiện trạng là sử dụng lối đi của đường chùa Ông.
Phần phía sau, bà S. cùng 2 người em gái sửa chữa quay cửa chính về hướng nhà người chú và tiếp tục sử dụng lối đi bên hông nhà ông T. Đến năm 2018, ông T. cất lại nhà kiên cố thì đòi xây kín lối đi, buộc chị em bà S. phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp.
Sau nhiều lần hòa giải không thành, bà S. gửi đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu ông T. mở lối đi ngang 2m, dài 18m cho gia đình bà như trước đây và đồng ý bồi thường theo giá Nhà nước quy định.
Quá trình giải quyết vụ kiện, ông T. cho rằng lối đi mà chị em bà S. đang sử dụng vẫn còn nguyên hiện trạng không thay đổi.
Khi gia đình ông T. khởi công xây nhà thì phía bà S. ngăn cản không cho thợ làm nên ông T. đã trình báo chính quyền địa phương đến lập biên bản và bà S. có cam kết là sẽ không gây rối trật tự nữa.
Nay ông T. không đồng ý yêu cầu mở lối đi ngang 2m, dài 18m theo yêu cầu của bà S. vì đất do ông đứng tên và do ông bà để lại nên ông phải có nghĩa vụ giữ gìn.
Tại bản án sơ thẩm, TAND TX Bình Minh tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S. nên ngày 5/12/2019, bà S. kháng cáo lên tòa phúc thẩm.
Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Long nhận định: Từ căn nhà chị em bà S. đang ở, muốn ra đường chính phải đi qua phần đất của ông T. bằng lối đi ngang khoảng 1m, dài 16m.
Ông T. thừa nhận lối đi này có nguồn gốc cha mẹ ông để lại cho con. Khi cha mẹ cho đất thì anh trai ông (tức cha bà S.) cất nhà sinh sống trên phần đất có sử dụng lối đi cặp đường chùa Ông ra đường đan.
Riêng lối đi mà chị em bà S. đang sử dụng là lối thoát hiểm ông T. chừa ra khi cất nhà nhưng ông đã để cho chị em bà S. sử dụng từ nhiều năm nay.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đôi bên đều thừa nhận lối đi cặp hông nhà ông T. có từ khi cha mẹ bà S. còn sống, sau đó là chị em bà S. tiếp tục sử dụng.
Năm 2018, khi xây lại nhà, ông T. cũng chừa lối đi này cho chị em bà S. sử dụng thể hiện tại biên bản hòa giải ngày 11/4/2018 của UBND phường Đông Thuận. Hiện căn nhà bà S. có cửa chính quay ra hướng nhà ông T., ngoài lối đi này thì chị em bà S. không còn lối đi nào khác.
Theo Điều 254 của Bộ luật Dân sự: “Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi bất động sản của chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ”.
Do đó, xét phần đất của ông T. và bà S. đang sử dụng có nguồn gốc là của ông bà được phân chia cho 2 người con là ông T. và cha bà S. Khi phân chia phải dành lối đi cho người phía trong bảo đảm thuận tiện nên việc buộc ông T. dành cho chị em bà S. lối đi để ra đường công cộng và bà S. phải đền bù thiệt hại cho ông T. là phù hợp pháp luật.
Do đó, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên buộc ông T. phải có nghĩa vụ dành cho gia đình bà S. phần đất diện tích 16,1m2 để làm lối đi ra đường công cộng.
Bà S. có trách nhiệm đền bù thiệt hại về việc sử dụng phần đất lối đi cho ông T. hơn 12,8 triệu đồng và quyền sử dụng phần đất này vẫn do ông T. đứng tên.
Cách giải quyết trên được xem là hợp lý vẹn tình nhưng nếu như trước đó, đôi bên chịu ngồi lại thỏa thuận trên cơ sở “người một nhà” thì đã không phải dẫn nhau ra tòa để ảnh hưởng tình chú cháu.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin