Mượn "sổ đỏ" của gia đình thế chấp vay tiền, đến khi không khả năng trả nợ và bị kiện ra tòa thì cả nhà cùng liên đới chịu trách nhiệm.
Mượn “sổ đỏ” của gia đình thế chấp vay tiền, đến khi không khả năng trả nợ và bị kiện ra tòa thì cả nhà cùng liên đới chịu trách nhiệm.
Năm 2014, anh L.T.L. (ở Phường 4- TP Vĩnh Long) có mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và tài sản gắn liền với đất của gia đình thế chấp cho chị Đ.T.N.T. (ở cùng địa phương) vay 60 triệu đồng, lãi suất 5% tháng.
Để đảm bảo nợ vay, ngày 18/2/2014, chị T. cùng cha anh L. là ông L.H.V. (đại diện hộ ông V.) đến phòng công chứng ký thế chấp bằng hình thức lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nói trên. Sau khi vay, anh L. trả được vốn và lãi một thời gian thì ngưng nên chị T. gửi đơn ra tòa đòi số nợ 52 triệu đồng còn lại. Tuy nhiên, trong đơn khởi kiện gửi TAND TP Vĩnh Long, chị T. trình bày:
Ngày 18/2/2014, chị và hộ ông V. có ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ với giá 52 triệu đồng. Sau khi đến phòng công chứng ký hợp đồng, chị đã trả đủ tiền nhưng đến nay hộ ông V. vẫn chưa giao nhà đất. Do đó, chị T. yêu cầu được đứng tên QSDĐ và tài sản gắn liền với đất như đã thỏa thuận.
Ông V. cùng các thành viên trong gia đình thì không đồng ý với yêu cầu trên và cho rằng: gia đình ông không chuyển nhượng QSDĐ cho chị T. Việc ông đại diện ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ là do con ông là anh L. có vay tiền của chị T. nên ông cho mượn giấy chứng nhận QSDĐ để thế chấp đảm bảo tiền vay. Do anh L. là người vay tiền nên phải có trách nhiệm trả, ông và các thành viên khác của gia đình không liên quan đến số nợ này.
Ngày 13/1/2020, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị T. đồng thời vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 18/2/2014, buộc chị T. trả lại bản gốc giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ ông V. và buộc anh L. có nghĩa vụ trả chị T. số tiền vay còn nợ là 52 triệu đồng cùng hơn 25,7 triệu đồng tiền lãi.
Không đồng ý với quyết định trên, ngày 20/1/2020, chị T. gửi đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm công nhận cho chị được đứng tên QSDĐ và sở hữu nhà ở gắn liền với thửa đất ông V. đã ký chuyển nhượng. Trường hợp vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 18/2/2014 thì phía bị đơn phải trả 52 triệu đồng vốn và tiền lãi tính từ ngày vay đến khi tòa sơ thẩm xét xử là 70 tháng bằng hơn 40,9 triệu đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, chị T. rút yêu cầu được đứng tên QSDĐ và tài sản khác gắn liền với đất, chỉ yêu cầu hộ ông V. trả tiền vốn và lãi hơn 92,9 triệu đồng. Tuy nhiên, đại diện hộ ông V. cho rằng số tiền 52 triệu đồng là do anh L. vay để sử dụng vào mục đích cá nhân, các thành viên còn lại trong hộ ông V. không sử dụng số tiền này nên không đồng ý liên đới cùng anh L. trả nợ cho chị T.
Sau khi xem xét các chứng cứ thể hiện trong hồ sơ vụ án, HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Long nhận định: quá trình giải quyết vụ án, chị T., ông V. và anh L. đều thừa nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ký ngày 18/2/2014 tại phòng công chứng là hợp đồng giả cách để đảm bảo tiền vay giữa chị T. và anh L.
Qua đó, thể hiện ý chí của các đương sự trong việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để đảm bảo nghĩa vụ của người khác nên khi vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thì chị T. phải trả lại giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ ông V. và các thành viên trong hộ ông V. cũng phải có nghĩa vụ liên đới cùng anh L. trả số tiền vốn lãi nêu trên.
Do đó, HĐXX của tòa phúc thẩm đã tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 18/2/2014 giữa chị T. với hộ ông V.; buộc chị T. trả bản gốc giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ ông V. đồng thời buộc anh L. cùng các thành viên trong hộ ông V. liên đới trả cho chị T. tiền vốn và lãi hơn 92,9 triệu đồng.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin