Nguyễn Thị Mười (SN 1974, ngụ Ấp 8, xã Hòa Hiệp- Tam Bình) là "đầu thảo" (chủ hụi) các dây hụi tuần, tháng và hụi mùa. Ngoài công việc này, Mười còn tham gia công tác tại địa phương với vai trò cán bộ phụ nữ ấp. Mười đã lợi dụng lòng tin của hụi viên để lập các dây hụi khống, chiếm đoạt gần 790 triệu đồng nên phải trả giá trước pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Thị Mười. |
Nguyễn Thị Mười (SN 1974, ngụ Ấp 8, xã Hòa Hiệp- Tam Bình) là “đầu thảo” (chủ hụi) các dây hụi tuần, tháng và hụi mùa. Ngoài công việc này, Mười còn tham gia công tác tại địa phương với vai trò cán bộ phụ nữ ấp. Mười đã lợi dụng lòng tin của hụi viên để lập các dây hụi khống, chiếm đoạt gần 790 triệu đồng nên phải trả giá trước pháp luật.
Theo hồ sơ vụ án, Mười bắt đầu làm “đầu thảo” các dây hụi từ năm 2015. Tuy nhiên, nhiều hụi viên đến kỳ hạn nhưng không đóng hụi đầy đủ buộc Mười phải vay nóng bên ngoài để đóng bù.
“Lãi mẹ đẻ lãi con”, Mười nghĩ cách tự ý thêm tên hụi viên không có thật vào các dây hụi để kêu hốt. Đến tháng 5/2017, không còn khả năng cân đối tài chính nên Mười tuyên bố vỡ hụi.
Theo kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh, tính đến thời điểm này, vẫn còn 39 dây hụi chưa kết thúc với 1.199 phần hụi.
Trong đó, có 2 dây hụi mùa 5 triệu đồng, 7 dây hụi mùa 2 triệu đồng, 10 dây hụi tháng 1 triệu đồng, 9 dây hụi tháng 500.000đ, 7 dây hụi tháng 200.000đ, 1 dây hụi tuần 200.000đ và 3 dây hụi tuần 100.000đ.
Bằng thủ đoạn gian dối, Mười đã kê khống tên hụi viên ở 60 phần hụi và 24 lần kêu hốt hụi. Đồng thời, tự ý lấy tên của 47 hụi viên để kêu hốt 71 phần hụi, chiếm đoạt gần 790 triệu đồng.
Như ở dây hụi tháng trị giá 1 triệu đồng, mở vào tháng 2/2016, Mười đã tự ý lấy tên của 6 hụi viên để kêu hốt hụi, chiếm đoạt hơn 90 triệu đồng.
Trong 2 ngày (15 và 16/7/2020), TAND tỉnh đưa vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Mười.
Tại tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, bị cáo biện minh cho hành vi phạm tội là do hoàn cảnh khó khăn và nuôi con nhỏ nên cần tiền chi tiêu dẫn đến phạm tội.
Theo đó, việc khui hụi được tổ chức định kỳ tại nhà bị cáo với hình thức bỏ thăm kín, ai kêu số tiền cao thì được hốt. Sau đó, Mười cũng là người đi gom hụi và được hưởng hoa hồng từ 40.000- 1.200.000đ (tương ứng với giá trị các dây hụi từ 100.000- 5.000.000đ).
Quá trình điều hành các dây hụi này, Mười nhận thấy hụi viên rất tin tưởng nên ít hoặc không tham gia khui hụi. Lợi dụng điều này, bị cáo tự ý lấy tên hụi viên hoặc kê khống tên hụi viên không có thật vào các dây hụi để kêu hốt. Sau đó, Mười vẫn đóng bù vào các khoản hụi này để các hụi viên không phát hiện.
Ngoài ra, bị cáo Mười còn khai nhận, số tiền chiếm đoạt của các hụi viên đã dùng vào nhiều mục đích như: đóng bù vào các phần hụi khống, cho hụi viên mượn, trả nợ, cho con đi học, mua xe gắn máy và tiêu xài cá nhân. Đến khi không còn khả năng cân đối tài chính thì bị cáo tuyên bố vỡ hụi.
Theo nhận định của HĐXX, tính chất của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo vì quyền lợi cá nhân nên lợi dụng sự tin tưởng của hụi viên ít hoặc không tham gia các kỳ khui hụi để thực hiện hành vi gian dối nên cần xử lý một mức án tương xứng.
Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhân thân tốt, một số bị hại xin giảm nhẹ hình phạt nên HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Mười 10 năm tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bài, ảnh: TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin