Thời gian gần đây, một số đối tượng hoạt động theo nhóm sử dụng mạng xã hội để làm quen, hứa gửi tiền gửi quà và yêu cầu nạn nhân nộp phí hoặc mạo danh cơ quan nhà nước rồi gọi điện đe dọa người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời gian gần đây, một số đối tượng hoạt động theo nhóm sử dụng mạng xã hội để làm quen, hứa gửi tiền gửi quà và yêu cầu nạn nhân nộp phí hoặc mạo danh cơ quan nhà nước rồi gọi điện đe dọa người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn này không mới nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà vẫn có nhiều nạn nhân sụp bẫy lừa với số tiền hàng trăm triệu đồng. Những trường hợp sau đây là minh chứng để người dân nhận diện loại tội phạm này.
Người thân của chị M.Y. đến trình báo tại cơ quan điều tra. |
Thông qua mạng xã hội, chị M.Y. (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) đang hợp tác lao động tại Nhật Bản, quen biết với người tự xưng tên Johnson Nava, quốc tịch Mỹ. Sau một thời gian, người này ngỏ ý nhờ chị M.Y. nhận giữ dùm quà và 900.000 USD.
Tiếp đó, bọn chúng đóng giả nhân viên thu phí, yêu cầu chị M.Y. đóng 1.000 USD để nhận quà. Tin tưởng, chị M.Y. đã nhờ người thân tại xã Thiện Mỹ nộp dùm 1.000 USD. Sau đó, nghi là bị lừa, người nhà chị M.Y. đến Công an huyện Trà Ôn để trình báo vụ việc.
Chị Huỳnh Thị T.- người thân của chị M.Y. ở xã Thiện Mỹ kể lại: “Trước tiên là ảnh gửi phần quà về nhờ chị Y. giữ hộ nên chỉ mới đồng ý. Em gửi xong 1.000 đô la (23,3 triệu tiền Việt Nam) thì khoảng 1 tiếng sau người ta cho chị em hay số tiền đó là không đủ nên kêu chuyển thêm 5.800 đô la nữa. Nghe nói số tiền quá lớn nên em nói chị em là bị lừa rồi”.
Vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 16/3, anh V.L., hiện đang làm việc tại thị trấn Trà Ôn nhận được điện thoại gọi đến từ một người tự xưng là nhân viên bưu chính, thông báo anh L. có giấy triệu tập dự phiên tòa vì anh L. nợ thẻ tín dụng của ngân hàng Sacombank chi nhánh Hà Nội, với số tiền 46 triệu đồng.
Sau đó, đối tượng lừa đảo chuyển điện thoại sang một người khác, yêu cầu anh L. chuyển 220 triệu đồng vào “tài khoản tạm giữ an toàn” theo đề nghị của “Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao” (!?)
Cái bẫy lừa đảo tiếp tục được bọn chúng giăng ra rất tinh vi. Bọn chúng tiếp tục gửi anh L. đường dẫn truy cập vào trang web do chúng thiết lập sẵn, có giao diện giống với trang web của Bộ Công an, tại đó xuất hiện “Lệnh bắt tạm giam” của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Cả tin và quá lo lắng vì sợ bị truy tố, nên anh L. đã chuyển 220 triệu đồng vào tài khoản mà đối tượng lừa đảo yêu cầu để chứng minh sự vô tội. Sau khi định thần lại, biết mình bị lừa nên anh L. đến trình báo vụ việc tại Công an huyện Trà Ôn.
Theo tài liệu điều tra của cơ quan công an, đối tượng cầm đầu trò lừa đảo này đa phần là người nước ngoài, câu kết với một số người Việt Nam để thực hiện hành vi lừa đảo. Từ năm 2019, đến nay Công an huyện Trà Ôn đã tiếp nhận 4 vụ lừa đảo qua mạng xã hội, chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng.
Thượng tá Nguyễn Văn Phục- Phó Trưởng Công an huyện Trà Ôn- khuyến cáo: “Chúng tôi rất mong bà con nên cảnh giác đối với tội phạm này. Không nên tin tưởng bất cứ người lạ nào nhắn tin để gửi tài sản hoặc là yêu cầu nộp tiền.
Đối với cơ quan công an, cơ quan pháp luật thì tất cả những việc mời gọi để làm việc đều bằng văn bản, không có điện thoại, không có nhắn tin. Khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo thì đề nghị quý bà con báo cho cơ quan công an ngay để chúng tôi kịp thời hỗ trợ”.
Có thể thấy, hình thức lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội ngày càng biến tướng theo nhiều kịch bản khác nhau đánh vào tâm lý cả tin của người dân. Do đó, dù đây là trò lừa không mới và đã được cảnh báo rất rộng khắp nhưng nếu không cảnh giác sẽ còn nhiều người rơi bẫy lừa của bọn chúng.
Bài, ảnh: THANH THẢO- HOÀI VIỆT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin