Thua kiện vì không chứng minh được "đã trả nợ"

09:05, 05/05/2020

Bị đơn cho rằng đã trả xong nợ vay và lãi nhưng vì không làm biên nhận và cũng không có chứng cứ gì chứng minh nên qua 2 cấp xét xử đều bị tòa tuyên thua kiện.

Bị đơn cho rằng đã trả xong nợ vay và lãi nhưng vì không làm biên nhận và cũng không có chứng cứ gì chứng minh nên qua 2 cấp xét xử đều bị tòa tuyên thua kiện.

Theo đơn khởi kiện ngày 4/4/2019 của bà T.T.K.L. (ở TX Bình Minh), vào ngày 1/12/2011, vợ chồng ông Nguyễn Văn C. (trú cùng địa phương) có vay của bà 283 triệu đồng để lo cho con đi hợp tác lao động ở Nhật. Khi vay, ông C. có viết biên nhận nợ nhưng đến nay vẫn không trả lãi và gốc nên bà yêu cầu vợ chồng ông C. trả lại số tiền vay 283 triệu đồng, không yêu cầu trả lãi.

Ngược lại, bị đơn Nguyễn Văn C. trình bày, thời điểm con ông đi Nhật, vợ chồng ông có vay của bà L. 5 triệu đồng. Sau đó, con ông bị tai nạn xe nên ông vay thêm 20 triệu đồng, tổng cộng nợ gốc 25 triệu đồng với mức lãi suất 10%/tháng. Thời gian này, ông C. làm thủ tục vay ngân hàng được 150 triệu đồng nên ngày 6/11/2012, ông đưa tiền cho vợ là bà Lê Thị M. đến gặp bà L. trả nợ gốc 25 triệu đồng và lãi 40 triệu đồng (tổng cộng 65 triệu đồng) nhưng không viết biên nhận. Một thời gian sau, bà L. đến nhà ông đòi tiếp tiền lãi, ông xin bớt nhưng không được nên bà L. cộng tiền lãi từ năm 2012- 2019 thành 283 triệu đồng và khởi kiện ra tòa yêu cầu ông phải trả nhưng ông không đồng ý.

Tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 6/9/2019, HĐXX của TAND TX Bình Minh đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà L., buộc vợ chồng ông C. có nghĩa vụ trả cho bà L. 283 triệu đồng, không yêu cầu trả lãi. Sau đó, ông C. kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm bác đơn khởi kiện của bà L. và xem xét lại nội dung hợp đồng vay do vợ chồng ông bị bà L. lừa ký vào biên nhận nợ ngày 1/12/2011.

Qua xem xét các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Long nhận định, tại phiên tòa phúc thẩm, ông C. vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, không đồng ý trả cho bà L. 283 triệu đồng với lý do đây là tiền lãi của số nợ gốc 25 triệu đồng. Ông C. cũng thừa nhận đã trả vốn và lãi 65 triệu đồng nhưng vì bà L. đòi thêm tiền lãi, ông không đóng nên bị ép buộc ký tên vào biên nhận nợ ngày 1/12/2011.

Trong khi đó, bà L. khẳng định số tiền 283 triệu đồng là nợ gốc do vợ chồng ông C. vay nhiều lần. Sau đó, 2 bên thống nhất kết nợ, hủy các biên nhận trước và ký tên vào biên nhận nợ ngày 1/12/2011 là 283 triệu đồng.

Xét tờ biên nhận ngày 1/12/2011, vợ chồng ông C. đều thừa nhận “có nhận của bà L. 283 triệu đồng, nay làm biên nhận để làm bằng chứng” và đều ký, ghi rõ họ tên, địa chỉ. Mặc dù ông C. cho rằng việc ký tên vào biên nhận nợ là do bà L. ép buộc, còn bà M. không thừa nhận có viết và ký tên vào biên nhận nợ nhưng không yêu cầu giám định chữ viết và chữ ký nên HĐXX không có căn cứ để xem xét. Quá trình giải quyết vụ việc, vợ chồng ông C. không cung cấp được chứng cứ chứng minh số tiền 283 triệu đồng bà L. yêu cầu phải trả là tiền lãi của số nợ gốc 25 triệu đồng nên bản án sơ thẩm buộc vợ chồng ông C. trả cho bà L. 283 triệu đồng là có căn cứ. Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông C. và giữ nguyên án sơ thẩm, buộc ông C. và bà M. cùng có trách nhiệm trả cho bà L. 283 triệu đồng.

Cả 2 cấp xét xử ông C. đều thua kiện. Vì vậy, mọi người cần lưu ý: mọi giao dịch dân sự khi đưa ra giải quyết theo pháp luật phải dựa trên chứng cứ. Đặc biệt, với các giao dịch liên quan đến vay mượn nợ thì tờ biên nhận “giấy trắng, mực đen” là một trong những cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng xem xét trước khi tuyên án.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh