Thế chấp "sổ đỏ" để vay tiền, sau 2 năm thì phát sinh mâu thuẫn, người vay nói đã trả xong nhưng chủ nợ bảo không nên tranh chấp kéo dài gần 7 năm mới được giải quyết bằng một vụ kiện.
Thế chấp “sổ đỏ” để vay tiền, sau 2 năm thì phát sinh mâu thuẫn, người vay nói đã trả xong nhưng chủ nợ bảo không nên tranh chấp kéo dài gần 7 năm mới được giải quyết bằng một vụ kiện.
Do cần vốn làm ăn nên ngày 24/5/2013, vợ chồng ông C.H.K. có vay của bà T.T.Đ. (cùng ở TP Vĩnh Long) 310 triệu đồng, lãi suất 5%/tháng.
Khi vay, vợ chồng ông K. có thế chấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Cụ thể, QSDĐ thửa 642, diện tích 108m2 thế chấp vay 250 triệu đồng và thửa 651, diện tích 72,3m2 thế chấp vay 60 triệu đồng nhưng 2 bên không làm hợp đồng thế chấp mà lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ.
Theo lời trình bày của bà Đ., từ khi vay tiền, vợ chồng ông K. chưa trả vốn, chỉ đóng lãi được 2 tháng bằng 31 triệu đồng. Sau đó, vợ chồng ông K. lập biên nhận xác nhận nợ và xin trả dần vốn, lãi mỗi tháng 10 triệu đồng.
Ngày 21/9/2015, vợ chồng ông K. và bà Đ. ra công chứng làm văn bản hủy hợp đồng đối với thửa 642 và ký lại hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thửa 651.
Đến ngày 2/10/2015, vợ chồng ông K. đem phần đất thuộc thửa số 642 chuyển nhượng cho con dâu nên bà Đ. khởi kiện ra tòa yêu cầu vợ chồng ông K. trả tiền vay 310 triệu đồng và lãi tính từ ngày 24/5/2013 đến ngày xét xử sơ thẩm.
Quá trình giải quyết vụ án, vợ chồng ông K. cho biết, vì trên thửa đất 642 có căn nhà cấp 4 gia đình ông đang sinh sống nên ngày 21/9/2015, vợ chồng ông đã trả cho bà Đ. tiền vốn 250 triệu đồng và lãi phát sinh 15 triệu đồng.
Sau đó, 2 bên mới ra công chứng hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thửa 642 và bà Đ. đã trả lại bản chính giấy chứng nhận QSDĐ cho vợ chồng ông.
Riêng số nợ 60 triệu đồng, 2 bên ký lại hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thửa 651, nay vợ chồng ông đồng ý trả số nợ này với mức lãi suất 1,125% /tháng.
Tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 22/10/2019, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đ. buộc vợ chồng ông K. có nghĩa vụ trả cho bà Đ. tiền vốn 310 triệu đồng và lãi hơn 241 triệu đồng. Không đồng tình với phán quyết trên, vợ chồng ông K. gửi đơn kháng cáo.
Ngày 6/11/2019, Viện trưởng Viện KSND TP Vĩnh Long cũng có quyết định kháng nghị với nội dung tòa cấp sơ thẩm nhận định, đánh giá chứng cứ không khách quan gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.
Qua xem xét các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX của tòa phúc thẩm nhận định, thời điểm vợ chồng ông K. vay tiền, 2 bên không làm biên nhận vay chỉ lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thửa 642 và 651 để đảm bảo nợ vay.
Do không đóng lãi đầy đủ nên ngày 25/12/2013, vợ chồng ông K. lập biên nhận xác nhận còn nợ bà Đ. 310 triệu đồng và xin trả dần vốn, lãi hàng tháng 10 triệu đồng.
Bà Đ. cho rằng, vợ chồng ông K. không có trả 250 triệu đồng và lãi nhưng bà đồng ý ký văn bản hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thửa số 642 là do vợ chồng ông K. hứa ủy quyền cho bà nhận 78 triệu đồng tiền được thi hành án tại Chi cục Thi hành án dân sự TP Vĩnh Long, còn lại hơn 170 triệu đồng (trong số nợ 250 triệu đồng), vợ chồng ông K. sẽ trả sau.
Sau đó, cán bộ Chi cục thi hành án TP Vĩnh Long yêu cầu nộp QSDĐ thửa đất 642 để thi hành án nên bà mới trả lại bản chính QSDĐ cho vợ chồng ông K..
Tuy nhiên, khi vợ chồng ông K. lập thủ tục tặng cho thửa đất 642 cho con dâu thì bà Đ. không tranh chấp và tại tòa, bà cũng không cung cấp được chứng cứ gì chứng minh cho lời trình bày trên nên không có căn cứ chấp nhận.
Xét thời điểm lập biên nhận xác nhận số nợ 310 triệu đồng giữa bà Đ. và vợ chồng ông K. xảy ra trước ngày 2 bên lập văn bản hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thửa 642 nên có căn cứ xác định vợ chồng ông K. đã trả cho bà Đ. tiền vốn vay 250 triệu đồng và lãi phát sinh.
Do đó, HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Long chấp nhận kháng cáo của vợ chồng ông K. và kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND TP Vĩnh Long, tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đ. về việc yêu cầu vợ chồng ông K. trả số tiền vay 250 triệu đồng và lãi phát sinh từ ngày 24/5/2013 đến ngày 22/10/2019; vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thửa 651, buộc vợ chồng ông K. trả cho bà Đ. số nợ gốc 60 triệu đồng còn lại và lãi, tổng cộng hơn 106 triệu đồng.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin