Qua 2 cấp xét xử, chị H.T.N.T. (ở phường Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) đều khẳng định chỉ vay 150 triệu đồng nhưng vì không có tiền đóng lãi nên bị chủ nợ tính lãi nhập vốn rồi yêu cầu ký nhận nợ thành 1,4 tỷ đồng.
Qua 2 cấp xét xử, chị H.T.N.T. (ở phường Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) đều khẳng định chỉ vay 150 triệu đồng nhưng vì không có tiền đóng lãi nên bị chủ nợ tính lãi nhập vốn rồi yêu cầu ký nhận nợ thành 1,4 tỷ đồng.
Vụ tranh chấp hợp đồng vay giữa chị H.T.N.T. và bà T.T.N. (ở TP Vĩnh Long) xảy ra đã nhiều năm nhưng 2 bên không thống nhất được số nợ gốc nên bà N. gửi đơn khởi kiện ra tòa nhờ giải quyết.
Cụ thể trong đơn kiện, bà N. trình bày, ngày 11/10/2011, bà N. có cho vợ chồng chị T. vay 410 triệu đồng, lãi suất 8 triệu đồng/tháng.
Khi nhận tiền, chị T. viết cam kết thực hiện hợp đồng chuyển nhượng 605,2m2 đất và căn nhà cấp 4 gắn liền với đất để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ trong thời hạn 1 tháng.
Sau đó, hợp đồng chuyển nhượng đất được công chứng và bà N. đang giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) mà chị T. đứng tên.
Từ ngày 3/8- 28/12/2012, vợ chồng chị T. tiếp tục vay của bà N. lần lượt 250 triệu đồng và 182 triệu đồng với mức lãi suất 2%/tháng và đều viết biên nhận nợ. Đến ngày 16/1/2014, vợ chồng chị T. vay thêm của bà N. 558 triệu đồng nhưng không viết biên nhận nợ mà viết cam kết thực hiện hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ với 4 lần vay là 1,4 tỷ đồng.
Sau đó, vợ chồng chị T. không thực hiện đúng cam kết và trả lãi đến tháng 12/2016 được 138,5 triệu đồng thì ngưng nên bà N. yêu cầu vợ chồng chị T. trả nợ gốc 1,4 tỷ đồng và lãi tính từ ngày nhận nợ đến tháng 1/2018 là hơn 1,3 tỷ đồng (tổng cộng hơn 2,7 tỷ đồng).
Không đồng tình với yêu cầu trên, chị T. có đơn phản tố và khẳng định, vợ chồng chị chỉ vay của bà N. 150 triệu đồng để kinh doanh, lãi suất 5%/tháng bằng hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho bà N. để đảm bảo việc trả nợ.
Sau khi vay tiền, chị T. đóng lãi cho bà N. được 3 tháng rồi ngưng do kinh doanh thất bại không có khả năng trả lãi và vốn. Những biên nhận nợ mà bà N. đưa ra thực chất là do chị không có tiền đóng lãi nên bà N. tính lãi nhập vốn rồi yêu cầu chị ký nhận.
Do đó, chị T. chỉ đồng ý trả cho bà N. nợ gốc 150 triệu đồng và lãi 260 triệu đồng (tổng cộng 410 triệu đồng) nhưng xin trả dần mỗi tháng 400.000đ, đồng thời yêu cầu tòa hủy thỏa thuận việc chuyển nhượng QSDĐ và các biên nhận nợ đã lập trước đó.
Tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 11/9/2019 của TAND TP Vĩnh Long, HĐXX tuyên vợ chồng chị T. trả cho bà N. nợ gốc 1,4 tỷ đồng và lãi hơn 400 triệu đồng (tổng cộng hơn 1,8 tỷ đồng), vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa chị T. và bà N. nhưng chị T. kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi xem xét các chứng cứ có trong hồ sơ, HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Long nhận định, chị T. cho rằng chỉ vay 150 triệu đồng tiền gốc, do bà N. tính lãi nhập vốn nhiều lần và yêu cầu viết biên nhận thành 1,4 tỷ đồng nhưng bà N. không thừa nhận và chị T. cũng không có chứng cứ gì chứng minh nên lời trình bày trên là chưa phù hợp.
Quá trình giải quyết vụ việc, chị T. đều thừa nhận các tờ cam kết và biên nhận nợ đều do chị và chồng ký tên nên cấp sơ thẩm buộc vợ chồng chị trả cho bà N. số nợ gốc 1,4 tỷ đồng là có căn cứ.
Do đó, HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị T. nhưng sửa phần lãi suất về mức cơ bản (0,75%/tháng) và buộc vợ chồng chị T. trả cho bà N. vốn gốc 1,4 tỷ đồng cùng tiền lãi 339,5 triệu đồng (tổng cộng hơn 1,7 tỷ đồng) đồng thời vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa chị T. và bà N., buộc bà N. trả lại cho chị T. bản chính giấy chứng nhận QSDĐ mà chị T. đang đứng tên.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin