Tái diễn cảnh gửi bưu phẩm là "giấy báo nợ" để lừa đảo

05:04, 24/04/2020

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây lại xuất hiện tình trạng các đối tượng giả danh nhân viên bưu điện, cơ quan nhà nước, công an, tòa án, viện kiểm sát,… điện thoại "thông báo" người dân đang nợ ngân hàng một số tiền lớn hoặc có liên quan đến các vụ án hình sự, tranh chấp dân sự.

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây lại xuất hiện tình trạng các đối tượng giả danh nhân viên bưu điện, cơ quan nhà nước, công an, tòa án, viện kiểm sát,… điện thoại “thông báo” người dân đang nợ ngân hàng một số tiền lớn hoặc có liên quan đến các vụ án hình sự, tranh chấp dân sự.

Sau đó, đối tượng lừa đảo sẽ “hướng dẫn” người dân khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để truy cập vào hệ thống và rút hết tiền.

Ngày 16/4/2020, 2 đối tượng tự xưng là nhân viên bưu điện và cán bộ công an đã “song kiếm hợp bích” thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hàng chục triệu đồng của một bị hại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Theo đó, vào thời điểm trên, đối tượng tự xưng là nhân viên bưu điện liên hệ vào số điện thoại bàn của một cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long yêu cầu gặp một cán bộ đang công tác tại đây để giao “bưu phẩm”.

Đối tượng cho hay, “bưu phẩm” là giấy báo nợ ngân hàng của Sài Gòn Bank vì đã đăng ký tài khoản thẻ tín dụng tại đây và có liên quan đến một vụ án rửa tiền.

Tiếp đến, một đối tượng khác dùng số điện thoại +008820692342593 gọi vào số di động của bị hại và tự xưng là cán bộ công an thông báo đang thụ lý vụ án rửa tiền hơn 2 tỷ đồng, trong đó bị hại là đồng phạm.

Để tạo lòng tin, “cán bộ công an” yêu cầu bị hại phải giữ bí mật về thông tin vừa trao đổi vì vụ án đang trong quá trình điều tra.

Đồng thời, cuộc gọi sẽ được ghi âm để làm chứng cứ nên không được tự ý cúp máy. Tiếp đến, đối tượng lừa đảo gợi ý bị hại nếu muốn chứng minh bản thân trong sạch, không liên quan gì đến “vụ án” này thì phải mua 1 điện thoại cảm ứng khoảng 4 triệu đồng dùng để “xác minh thông tin”, xong việc thì phía công an sẽ hoàn trả lại chi phí.

Khi bị hại làm theo yêu cầu này, đối tượng lừa đảo hướng dẫn đăng nhập vào phần mềm “hệ thống bảo vệ Bộ Công an” và nhập các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.

Khi có được những thông tin này, đối tượng lừa đảo hứa xác minh làm rõ, đến chiều sẽ liên hệ lại, sau đó cúp máy và… biến mất. Chiều cùng ngày, bị hại phát hiện số tiền 76 triệu đồng trong tài khoản đã “không cánh mà bay” nên trình báo cơ quan chức năng.

Theo điều tra của Công an tỉnh Vĩnh Long, trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã tìm hiểu thông tin cá nhân của lãnh đạo các cơ quan nhà nước hoặc những người làm việc liên quan đến tài chính.

Ngoài ra, bọn lừa đảo còn sử dụng phần mềm gọi điện thoại qua internet có hiển thị số điện thoại của Bộ Công an để người dân tin tưởng làm theo yêu cầu.

Do đó, Công an tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho những người không quen biết. Đồng thời, cung cấp thông tin cho cơ quan công an kịp thời điều tra, truy bắt kẻ lừa đảo.

TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh