Một phút lơ là, bất cẩn trong việc dự trữ hàng hóa, đun nấu, câu mắc điện,... có thể gây ra cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản. Do đó, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Nhiều cơ quan, doanh nghiệp chủ động đầu tư hệ thống PCCC hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu chữa cháy tại chỗ. |
Một phút lơ là, bất cẩn trong việc dự trữ hàng hóa, đun nấu, câu mắc điện,... có thể gây ra cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản. Do đó, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Theo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), 3 yếu tố chính gây cháy gồm: mồi lửa, chất gây cháy và ôxy. Vào mùa khô, những nơi như tường nhà, hay các vật dụng thường xuyên được chiếu sáng bởi ánh sáng mặt trời chỉ cần mồi lửa là có thể xảy ra cháy, nổ. Còn mùa mưa bão, nguyên nhân gây cháy, nổ chủ yếu do chập điện. Trong khi ở các đô thị, nhiều trụ điện, cây xanh “cõng” đủ loại dây điện, cáp truyền hình, Internet, điện thoại,… vừa mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ dẫn đến chập điện gây cháy.
Theo Ban Quản lý chợ Vĩnh Long, nhà lồng chợ bách hóa tổng hợp về ban đêm được lực lượng trực bảo vệ đóng tất cả các cửa ra vào và có niêm phong nên không kiểm tra được bên trong nên nguy cơ xảy ra sự cố cháy, nổ là có. Trong khi đó, các hộ kinh doanh ở 6 khu vực nhà lồng như: chợ khu C, chợ khu A, đường Bạch Đằng, chợ khu vực I, chợ khu vực II, chợ Cua (Phường 4) đang kinh doanh nhiều mặt hàng dễ cháy. Trong khi những quầy, sạp không kinh doanh thường xuyên đóng cửa hoặc tận dụng làm kho chứa hàng hóa cũng có khả năng gây ra sự cố cháy, nổ.
Không chỉ vậy, nhiều hộ kinh doanh ngành hàng ăn uống sử dụng bếp gas, bếp dầu, bếp củi không đảm bảo cho công tác phòng cháy. Đó là chưa kể, hệ thống điện phục vụ cho việc kinh doanh sinh hoạt và thắp sáng vẫn có một số hộ tiểu thương tự ý câu mắc điện không an toàn hoặc đóng cửa quầy khi ra về mà không tắt đèn, quạt hoặc không cúp cầu dao điện nên không đảm bảo cho công tác phòng cháy. Một số tiểu thương vẫn còn đốt giấy tiền, đốt nhang, đèn trong quầy không đảm bảo cho công tác phòng cháy.
Để đảm bảo an toàn PCCC, thời gian qua Đội PCCC và cứu nạn, cứu hộ cơ sở đã tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong nội bộ cán bộ nhân viên, người lao động và các hộ tiểu thương về công tác PCCC bằng nhiều hình thức như: thông báo trên loa truyền thanh, băng rôn treo ở các nhà lồng chợ,… để nâng cao tinh thần cảnh giác về công tác phòng chống cháy, nổ. Các bảng nội quy, tiêu lệnh PCCC được treo ở văn phòng làm việc của ban quản lý chợ, các nhà lồng chợ và nơi bố trí dụng cụ, phương tiện chữa cháy để tất cả mọi người cùng biết và thực hiện tốt công tác phòng chống cháy, nổ.
Bà Nguyễn Thị Yến Xuân- Trưởng Ban Quản lý chợ Vĩnh Long- cho biết, thời gian tới, Ban Quản lý chợ sẽ tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc để hàng hóa lấn chiếm lối thoát hiểm, mái che gây cản trở đi lại, đồng thời phối hợp tuyên truyền để các hộ tiểu thương nâng cao ý thức cảnh giác, đề phòng cháy, nổ.
Mặt khác, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương không được để những vật liệu dễ cháy trên nóc quầy trong các nhà lồng chợ; hạn chế nấu nướng bằng bếp gas, dầu; hạn chế việc thờ cúng và không đốt nhang đèn ở khu vực mua bán, đặc biệt nơi kinh doanh các mặt hàng dễ gây cháy, nổ.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý chợ cũng sẽ thường xuyên kiểm tra hệ thống điện toàn khu vực chợ, để kịp thời phát hiện nơi nào không an toàn để có biện pháp khắc phục, sửa chữa ngay. Ngoài ra, thường xuyên tuyên truyền các quy định về an toàn PCCC và cho tiểu thương cam kết không tự ý câu mắc điện.
Nhìn chung, qua thời gian tổ chức triển khai thực hiện Luật PCCC và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, công tác PCCC trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã đạt được kết quả tích cực: người dân và các cấp, ngành, đơn vị ngày càng có ý thức, trách nhiệm hơn về công tác PCCC; điều kiện an toàn PCCC ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ. Từ đó tạo thế chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, loại trừ các nguyên nhân và điều kiện gây cháy, nổ.
Đội ngũ chữa cháy tại chỗ thường xuyên tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng phó khi có tình huống xảy ra. |
Theo Thượng tá Nguyễn Minh Trí- Phó Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình trước nguy cơ cháy, nổ, trước hết người dân phải ý thức quản lý nguồn điện chặt chẽ, nhất là việc câu mắc điện, sử dụng các thiết bị điện, lựa chọn các thiết bị truyền tải điện phù hợp; đề phòng quá tải chập cháy, rò rỉ điện bằng cách sử dụng cầu dao điện có thiết bị bảo vệ tự đóng ngắt. Đồng thời, trang bị một số phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay.
Việc sử dụng bình gas nấu nướng trong nhà cần chú ý đóng ngắt sau khi sử dụng. Nếu sử dụng bếp dầu, đèn dầu phải đảm bảo an toàn đề phòng dầu chảy loang gây cháy hoặc sử dụng bếp củi, bếp than đề phòng gió thổi tàn lửa bay đến vật liệu dễ cháy. Những chỗ thờ cúng cũng hết sức chú ý nguồn điện, nguồn nhiệt,…
Đối với các khu chung cư, nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh, phải đảm bảo điều kiện về lối thoát hiểm, hệ thống báo cháy phải hoạt động tốt và hệ thống PCCC phải đáp ứng cứu chữa kịp thời. Ngoài ra, lực lượng chữa cháy tại chỗ phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về PCCC và xử lý hiệu quả khi có cháy nổ xảy ra.
Bài, ảnh: NGUYÊN HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin