Trộm cắp tài sản là một trong những hành vi phạm tội rất phổ biến, gây nhiều bức xúc, hoang mang cho dư luận xã hội.
Trộm cắp tài sản là một trong những hành vi phạm tội rất phổ biến, gây nhiều bức xúc, hoang mang cho dư luận xã hội. Vì muốn có tiền tiêu xài, kẻ gian không chỉ trộm tài sản của người khác mà còn nhắm vào tài sản của gia đình mình hoặc những người thân thuộc. Thực trạng này không chỉ đẩy kẻ phạm tội vào vòng lao lý mà còn gây sứt mẻ tình cảm gia đình.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra những vụ trộm cắp tài sản mà thủ phạm chính là người thân trong gia đình.
Qua nhiều vụ việc được phát giác cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên xuất phát từ tâm lý tin tưởng, thiếu cảnh giác của một bộ phận người dân. Hơn nữa, vì là người thân trong gia đình nên kẻ trộm đã thông thuộc vị trí cất giữ tài sản và chỉ cần gia chủ lơ là thì bọn chúng sẽ giở ngay thói “chôm chỉa”.
Như trường hợp của Nguyễn Văn Trung (ngụ xã Thiện Mỹ- Trà Ôn), vì muốn có tiền thỏa mãn cơn nghiện, hắn trộm cả tài sản của hàng xóm láng giềng đến người thân. Trước đó, khi không có tiền tiêu xài, lợi dụng lúc trời tối, Trung đến kho nhà sau của bà ngoại là T.T.R. lấy trộm 1 vỏ bình gas màu xám hiệu Petro của dì ruột.
Sau đó, hắn đem vỏ bình gas đến một vựa phế liệu tại TX Bình Minh bán với giá 80.000đ, rồi đi mua ma túy sử dụng cho “đỡ cơn ghiền”. Hết tiền tiêu xài, Trung tiếp tục bắt trộm 1 con ngỗng của bà ngoại đem ra chợ Trà Ôn bán với giá 160.000đ. Phát hiện mất tài sản, bà R. trình báo cơ quan chức năng.
Đến khi Trung bị công an bắt giữ, người nhà của hắn mới ngã ngửa vì không ngờ kẻ trộm là chính đứa cháu ruột của mình. Trước đó, Nguyễn Văn Trung từng trộm vặt nhiều tài sản của hàng xóm, nhưng do tài sản giá trị thấp nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, từ đó hắn đâm ra “ăn cắp quen tay”.
“Nó không lo kiếm công chuyện làm, tối ngày theo bạn bè tụ tập ăn chơi rồi đi phá làng phá xóm, nhưng tui không ngờ có ngày nó lại ăn cắp đồ ở nhà đem đi bán”- Kể tội đứa cháu của mình, bà R. cho biết rất xấu hổ trước những dị nghị của hàng xóm.
Cũng vì sợ xấu hổ, hàng xóm láng giềng dị nghị mà khi phát hiện kẻ trộm là người thân, chủ sở hữu tài sản không tố giác đến cơ quan chức năng. Việc làm trên không khác gì dung túng cho hành vi sai trái.
Điều này khiến những kẻ trộm ung dung trước pháp luật và tiếp tục phạm tội, từ trộm cắp vặt trong gia đình có thể trộm đến những tài sản giá trị hơn. Do đó, muốn ngăn chặn không còn cách nào khác cần mạnh dạn tố giác để pháp luật nghiêm trị nhằm răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội.
Điển hình như trường hợp của gia đình bà L.T.L. Chồng mất sớm, bà L. một mình bươn chải nuôi 3 đứa con.
Tuy vậy, đứa con thứ 2 là Nguyễn Thanh Nhã không chịu học hành đến nơi đến chốn mà tụ tập bạn bè nhậu nhẹt, chơi bời lêu lổng, thường xuyên gây rối trật tự địa phương và sớm sa chân vào con đường nghiện ngập. Những lúc say rượu, Nhã hay đập phá đồ đạc trong nhà khiến bà L. vô cùng bất an. Một ngày nọ, sau chầu nhậu cùng bạn bè, Nhã về nhà hỏi mượn điện thoại mẹ mình.
Tức giận vì bà L. không đồng ý, hắn dùng nón bảo hiểm và khúc cây điên cuồng đập phá nhà cửa. Bà L. hoảng sợ nên chạy ra khỏi nhà lẩn trốn. Tình trạng trên cứ lặp lại, cho đến khi không thể chịu đựng được hành vi của con mình, bà L. đã trình báo với cơ quan chức năng.
Qua điều tra, Nhã khai nhận đã nhiều lần “rinh” tủ lạnh, tủ đông, động cơ xe gắn máy (có tổng giá trị hơn 13 triệu đồng) trong nhà đem bán lấy tiền tiêu xài và sử dụng hết số tiền trên vào ma túy.
Hành vi phạm tội này sau đó đã khiến Nhã vướng vòng lao lý. Bởi vì pháp luật không căn cứ vào quan hệ ruột thịt giữa người phạm tội và bị hại mà chỉ xem xét hành vi, hậu quả để giải quyết. Do đó, dù trộm tài sản của ai đi chăng nữa thì hành vi này vẫn bị pháp luật nghiêm trị một cách thích đáng, có như vậy mới mong kéo giảm tệ nạn trộm cắp đang nhức nhối hiện nay.
KIẾN THÀNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin