Cái kết có hậu từ vụ tranh chấp

05:04, 29/04/2020

Sau khi thỏa thuận chuyển nhượng đất, đôi bên viết giấy giao nhận tiền cọc nhưng hết thời hạn cam kết mà bên mua không chịu làm thủ tục chuyển nhượng nên chủ đất đem bán cho người khác, dẫn đến tranh chấp và kiện nhau ra tòa.

Sau khi thỏa thuận chuyển nhượng đất, đôi bên viết giấy giao nhận tiền cọc nhưng hết thời hạn cam kết mà bên mua không chịu làm thủ tục chuyển nhượng nên chủ đất đem bán cho người khác, dẫn đến tranh chấp và kiện nhau ra tòa.

Ngày 19/11/2018, ông H.N.P. (trú Phường 1) và anh B.V.N.T. (trú Phường 4- TP Vĩnh Long) thỏa thuận chuyển nhượng 2.050m2 đất trồng cây lâu năm và thổ cư, có đặt cọc 180 triệu đồng. Sau đó, hai bên làm biên nhận đặt cọc và cam kết đến cuối tháng 12/2018 sẽ hoàn tất mọi thủ tục chuyển nhượng.

Tuy nhiên, khi hết hạn cam kết, bên bán nhiều lần điện thoại nhắc bên mua cùng ra công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng nhưng bên mua cứ thoái thác, hẹn hết lần này đến lần khác.

Anh T. (chủ đất), cho biết: Đợi gần 3 tháng mà ông P. không chịu làm thủ tục chuyển nhượng, cứ hẹn với lý do “chờ bán cá mới có tiền mua đất”, khi thì bảo “cá đang nuôi còn nhỏ nên chưa bán được, đợi vay tiền ngân hàng”.

Do đó, anh T. đã đem diện tích đất nói trên chuyển nhượng cho người khác. Ông P. hay được yêu cầu anh T. thực hiện việc giao đất thì anh T. năn nỉ xin gửi lại tiền cọc.

Lúc đầu, ông P. đồng ý nhận lại tiền cọc. Đến khi anh T. đưa 100 triệu đồng nhưng lại viết biên nhận là trả cọc 180 triệu đồng thì ông P. không chịu.

Sau đó, ông P. nhiều lần đòi tiền cọc nhưng anh T. không trả nên đã gửi đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu anh T. trả 180 triệu đồng tiền cọc và bồi thường thiệt hại 180 triệu đồng do vi phạm hợp đồng.

Tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 21/10/2019, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông P. buộc anh T. phải trả lại tiền cọc cùng số tiền bồi thường thiệt hại là 360 triệu đồng. Sau khi tòa tuyên án, anh T. gửi đơn kháng cáo yêu cầu bác đơn khởi kiện của ông P.

Tại phiên xử phúc thẩm, anh T. thay đổi kháng cáo yêu cầu vô hiệu hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng đất và đồng ý trả lại cho ông P. 180 triệu đồng tiền cọc. Ông P. đồng ý nhận lại tiền cọc và cũng không đòi anh T. bồi thường thiệt hại 180 đồng như yêu cầu trước đó.

Xét thỏa thuận giữa ông P. và anh T. là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật pháp, cũng không trái với đạo đức xã hội nên HĐXX của TAND tỉnh Vĩnh Long đã chấp nhận sự tự thỏa thuận trên và tuyên vô hiệu hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng 2.050m2 đất thổ vườn theo biên nhận ngày 19/11/2018 giữa ông P. và anh T. đồng thời buộc anh T. có nghĩa vụ trả lại ông P. số tiền 180 triệu đồng đặt cọc.

Một cái kết có hậu cho một tranh chấp không đáng có. Nếu như trước đây, ông P. và anh T. cùng ngồi lại giải quyết vụ việc trên cơ sở “có lý, có tình” thì đã không phải dắt nhau ra tòa, vừa mất thời gian, vừa phải chịu án phí và mất luôn cả một mối quan hệ.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh