Tránh "rơi" vào bẫy lừa đảo trên mạng xã hội trong dịch Covid-19

04:03, 24/03/2020

Thời gian gần đây, cơ quan công an đã tạm giữ, điều tra khá nhiều đối tượng lợi dụng dịch bệnh Covid-19 nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Thời gian gần đây, cơ quan công an đã tạm giữ, điều tra khá nhiều đối tượng lợi dụng dịch bệnh Covid-19 nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Các đối tượng này chủ yếu sử dụng mạng xã hội, đăng thông tin rao bán khẩu trang y tế, bán nhiệt kế điện tử, gel rửa tay phòng tránh virus SARS CoV-2… với mục đích lừa đảo người tiêu dùng, thu lợi bất chính.

Cùng với các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng, người sử dụng mạng xã hội nên làm gì, để tránh bị "rơi" vào các bẫy lừa đảo trên mạng xã hội trong dịch Covid-19?

Cùng với tình trạng một số tài khoản mạng xã hội tung tin sai sự thật về dịch Covid-19 đã xuất hiện những cá nhân lợi dụng nhu cầu mua khẩu trang y tế, đã rao bán khẩu trang trên mạng xã hội, rồi lừa đảo chiếm đoạt tiền. Điều này khiến nhiều người tham gia mạng xã hội cảm thấy hoang mang.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Điển hình là dùng thủ đoạn đăng thông tin về việc có số lượng lớn khẩu trang y tế cần bán, các đối tượng như Lê Thị Liên (ở xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn), Lê Minh Quân (ở xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), Lê Minh Tiến và Lê Thanh Phong (cùng ở xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) đã lừa các nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản và chặn Facebook, huỷ sim điện thoại, để chiếm hơn 600 triệu đồng.

Với số tiền chiếm đoạt hơn 440 triệu đồng, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thủ Đức (TPHCM) phối hợp cơ quan chức năng điều tra vụ lừa đảo bán khẩu trang y tế trên mạng xã hội Facebook theo trình báo của chị T (ở quận Thủ Đức).

Đa phần các vụ lừa đảo này diễn ra khi nạn nhân cả tin, chuyển tiền cho các chủ tài khoản Facebook đăng bán khẩu trang nhưng không nhận được hàng mới đi trình báo công an.

Ông Nguyễn Minh Đức - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần An toàn thông tin CyRadar cho biết: “Hầu hết các thông tin cá nhân của người sử dụng hiện nay ở Việt Nam đều do chính người sử dụng tự đưa lên, từ thông tin ngày sinh cho đến địa điểm đang làm việc ở đâu, mọi hoạt động sinh hoạt…

Do đó dẫn đến ai cũng có thể thu thập được thông tin. Vấn đề nữa là tính cẩn trọng khi hoạt động trên mạng xã hội cũng thấp, dẫn đến là họ cũng bị lợi dụng dễ dàng hơn”.

Theo thống kê có hơn 60 triệu tài khoản của người sử dụng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam, dẫn đến việc Facebook trở thành 1 “xã hội số” đông đúc và màu mỡ, để các đối tượng xấu dễ dàng “đặt bẫy” lừa đảo. Cùng với việc nâng cao cảnh giác khi tham gia mạng xã hội, không tự nguyện cung cấp thông tin cá nhân.

“Theo tôi, nếu không cần thiết thì hạn chế cung cấp thông tin của mình. Ngoài ra, có thể sử dụng một email phụ, một số điện thoại phụ. Tôi có 1 email chuyên dùng để đăng ký các thứ, tức là tách các email, các số điện thoại khác nhau ra.

Những hoạt động mà thấy lâu dài, thì mới cung cấp email chính của mình” - ông Nguyễn Thế Tân – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp cho biết.

Như vậy, bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ giúp người sử dụng mạng xã hội có thể giảm bớt các nguy cơ mất an toàn thông tin, dẫn tới những hậu quả như bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an thường xuyên khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Nếu có hiện tượng này, phải trình báo ngay cho cho cơ quan công an để xử lý, hoặc thông báo đến số điện thoại của trực ban hình sự, Cục Cảnh sát hình sự là: 0692348560./.

Theo VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh