Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội, góp phần hạn chế những vụ tai nạn giao thông (TNGT) do rượu, bia gây ra.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội, góp phần hạn chế những vụ tai nạn giao thông (TNGT) do rượu, bia gây ra.
Cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường trọng điểm. |
Thực hiện Nghị định số 100, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của nghị định đến rộng rãi quần chúng nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Từ đó, đã tạo sự đồng tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân về ý thức chấp hành pháp luật giao thông khi tham gia giao thông.
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông của nghị định này khiến ai cũng “ngán”, vì tăng cao hơn nhiều lần so với Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
Nhưng qua đó, cũng thấy rằng, nghị định bước đầu đã tạo những chuyển biến tích cực, đặc biệt là ý thức của người tham gia giao thông khi có nồng độ cồn.
Anh Thiện (Phường 3- TP Vĩnh Long)- bộc bạch: “Có uống rượu giờ không dám chạy xe nữa, đi xe ôm về cho “lành”, không thôi bị công an phạt là chết luôn à!”
Anh Nhanh (xã Phú Lộc- Tam Bình) cũng chia sẻ: “Mỗi lần bạn ở TP Vĩnh Long rủ lên chơi, có uống rượu là ngủ lại nhà bạn luôn, sáng về cho an toàn, chứ bị phạt là khổ lắm!”
Thực hiện Nghị định 100, TNGT trên địa bàn tỉnh được kéo giảm sâu cả 3 tiêu chí. Từ 1/1- 14/2/2020, toàn tỉnh xảy ra 18 vụ TNGT đường bộ, làm chết 13 người, bị thương 13 người, thiệt hại tài sản khoảng 30 triệu đồng; so với thời gian trước khi có Nghị định 100 giảm 11 vụ (18/39= 28,2%), số người chết giảm 6 người (13/19=31,5%), bị thương giảm 15 người (13/28=53,57%), thiệt hại tài sản giảm khoảng 190 triệu đồng.
Theo đánh giá của Công an tỉnh Vĩnh Long, tình hình TNGT trên địa bàn sau khi triển khai thực hiện Nghị định 100 đã đạt được kết quả tích cực.
Đạt được điều này do sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công an; công tác tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị định 100 của cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp kịp thời và hiệu quả.
Công an tỉnh chủ động triển khai lực lượng, phương tiện tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), đặc biệt là chế tài Nghị định 100 có tác động tích cực đến nhận thức của người dân khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật giao thông khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, hành vi sai phạm vẫn còn nhiều. Các hành vi vi phạm nồng độ cồn, phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm về làn đường, phần đường,… vẫn còn nhiều.
Để đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn trong thời gian tới nói chung và thực hiện có hiệu quả Nghị định 100 nói riêng, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định Nghị định 100 đến mọi tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, phối hợp chặt với ngành chức năng tăng cường lực lượng, phương tiện thường xuyên tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT trên các tuyến đường trọng điểm và các điểm, nút giao thông thường xảy ra TNGT; phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT.
Mức xử phạt nồng độ cồn đối với lái ô tô và tương tự ô tô: - Phạt tiền từ 6- 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10- 12 tháng. - Phạt tiền từ 16- 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4 miligam/1 lít khí thở; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 16- 18 tháng. - Phạt tiền từ 30- 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22- 24 tháng. Mức xử phạt nồng độ cồn đối với lái mô tô, xe máy - Phạt tiền từ 2- 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10- 12 tháng. - Phạt tiền từ 4- 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25- 0,4 miligam/1 lít khí thở; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 16- 18 tháng. - Phạt tiền từ 6- 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22- 24 tháng. Mức xử phạt nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện Phạt tiền từ 400.000- 600.000đ đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. |
Bài, ảnh: HÙNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin