Hụi là hình thức góp vốn dựa trên tinh thần tự nguyện và khá phổ biến ở nông thôn. Chủ hụi (đầu thảo) đứng ra tổ chức, thu tiền và được hưởng hoa hồng, còn hụi viên tham gia với mục đích tích lũy vốn trang trải cuộc sống.
Hụi là hình thức góp vốn dựa trên tinh thần tự nguyện và khá phổ biến ở nông thôn. Chủ hụi (đầu thảo) đứng ra tổ chức, thu tiền và được hưởng hoa hồng, còn hụi viên tham gia với mục đích tích lũy vốn trang trải cuộc sống.
Giữa chủ hụi và hụi viên hầu hết đều có mối quan hệ thân quen, có thể là người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm,… Vì thế, nhiều hụi viên tin tưởng nên “ủy quyền” chủ hụi bỏ thăm ở những lần khui hụi. Lợi dụng điều này, chủ hụi đã lập các dây hụi khống nhằm chiếm đoạt tiền của hụi viên. Gần đây, xảy ra nhiều vụ vỡ hụi hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng khiến nhiều hụi viên rơi vào cảnh trắng tay, còn những chủ hụi làm ăn gian dối phải trả giá trước pháp luật bằng bản án thích đáng.
Lợi dụng lòng tin của hụi viên
Mới ngoài 40 tuổi nhưng Cao Thị Tuyết Mai (ngụ xã Mỹ Phước- Mang Thít) đã có “thâm niên” hơn 20 năm làm chủ hụi. Theo đó, từ năm 1998, Mai đứng ra tổ chức các dây hụi và huy động nhiều người dân địa phương tham gia.
Do làm ăn uy tín, giao hui đúng hẹn nên nhiều người tin tưởng và các dây hụi do Mai làm đầu thảo ngày càng “nở nồi”. Vì thế, mỗi khi đến kỳ khui hụi, nhiều hụi viên không trực tiếp tham gia mà chỉ trao đổi qua điện thoại để biết người được hốt hụi và số tiền phải đóng.
Dù vậy, Mai không chịu làm ăn chân chính mà lợi dụng lòng tin của hụi viên để trục lợi. Từ giữa năm 2016, Mai bắt đầu thực hiện hành vi gian dối bằng cách lập ra 9 dây hụi với 83 hụi viên tham gia 131 phần hụi.
Trong đó, Mai đã tự ý lấy tên của 26 hụi viên trong 8 dây hụi để kêu 38 lần hụi khống, chiếm đoạt hơn 1,7 tỷ đồng. Đến khi vỡ hụi và cơ quan công an vào cuộc điều tra, Mai khai nhận đã sử dụng hơn 1 tỷ đồng trong tổng số tiền chiếm đoạt được để hùn vốn đầu tư bất động sản ở TP Hồ Chí Minh nhưng thất bại và ngày càng lún sâu vào nợ nần.
Đối với trường hợp của chủ hụi Trương Thị Ngọc Thu (SN 1976, ngụ xã Bình Hòa Phước- Long Hồ), mặc dù làm ăn uy tín nhưng do nhiều hụi viên không đóng “hụi chết” nên Thu phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao bù vào. Từ bà chủ hụi đang ăn nên làm ra, Thu trở thành con nợ của người khác với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Để có tiền trả nợ, Thu bắt đầu thực hiện hành vi gian dối bằng cách kê khống tên các hụi viên vào các dây hụi để chiếm đoạt tiền và đến cuối năm 2016 thì tuyên bố vỡ hụi. Quá trình điều tra xác định, đến thời điểm vỡ hụi vẫn còn 22 dây hụi tháng (11 dây hụi 500.000đ và 11 dây hụi 1 triệu đồng) với 440 phần hụi của 124 hụi viên do Thu làm “đầu thảo” chưa kết thúc.
Trong 22 dây hụi này, bị can đã 96 lần thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt của các hụi viên hơn 995 triệu đồng. Thu khai nhận, do nhiều hụi viên không tham gia khui hụi mà nhờ bỏ thăm dùm nên đã lợi dụng “thời cơ” này để thực hiện hành vi lừa đảo. Số tiền có được, bị can dùng vào nhiều mục đích như: đóng bù “hụi chết”, trả nợ, xây nhà,… Vừa qua, TAND tỉnh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Trương Thị Ngọc Thu 7 năm tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hụi viên lao đao
Quá trình điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Cao Thị Tuyết Mai, cơ quan công an xác định, đối tượng này đã tổ chức nhiều dây hụi tháng có mệnh giá từ 1 đến 5 triệu đồng. Trong số những dây hụi này, Mai cũng là hụi viên tham gia góp vốn.
Như dây hụi mệnh giá 2 triệu đồng, mở đầu tháng 4/2017, Mai đã tự ý lấy tên Ngô Thị Phương Linh để kêu hốt hụi ở kỳ khui hụi thứ hai, chiếm đoạt hơn 23 triệu đồng. Ngoài ra, ở những kỳ khui hụi tiếp theo, Mai cũng tự ý lấy tên của 2 hụi viên khác để kêu hốt hụi, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng sử dụng vào mục đích cá nhân.
Qua các vụ vỡ hụi thời gian qua cho thấy, trong số các hụi viên, có trường hợp khó khăn nhưng tích góp được đồng nào đều tìm cách đầu tư vào hụi, hy vọng có được đồng lời để lo cho cuộc sống gia đình, con cái ăn học. Như trường hợp của chị T.T.L. (Phường 4- TP Vĩnh Long) cũng từng bị chủ hụi lừa đảo phải lâm vào cảnh trắng tay.
Chị L. cho biết: “Hàng ngày, tôi bán rau ngoài chợ, tiền lời kiếm được ngoài việc trang trải cuộc sống thì tích góp chơi hụi, không ngờ gặp phải người làm ăn không chân chính nên bị lừa mất hơn 100 triệu đồng”. Chị L. cho biết thêm, sau lần bị lừa đảo đó, chị không dám tham gia vào dây hụi nào khác. Tiền dành dụm được thì mua thêm rau cải buôn bán hàng ngày, nhiều chút thì sắm vàng để dành.
Tương tự, chị T.T.K.N. (xã Long Phước- Long Hồ) cũng từng là nạn nhân bị chủ hụi lừa đảo chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng. Trước đó, chị N. nghe bạn bè “rỉ tai” về một bà chủ hụi ở TP Vĩnh Long làm ăn uy tín nên gom góp tiền bạc đầu tư.
Không ngờ, với vẻ bề ngoài sang trọng, giàu có, bà chủ hụi lại âm thầm thực hiện hành vi gian dối mà chị N. và nhiều hụi viên không hay biết. Đến khi sự việc vỡ lỡ, chị N. mới nhận ra đó chỉ là “vỏ bọc” để chủ hụi lấy lòng tin của hụi viên. “Có những lần cần vốn mua bán, tui đến khui hụi, mặc dù chưa tới giờ nhưng chủ hụi nói khui rồi. Tới sau này mới biết người này nói dối và sắp xếp, lập khống hụi”- chị N. kể.
Hụi là hình thức góp vốn tự nguyện, dựa vào lòng tin lẫn nhau rất phổ biến trong dân. Loại hình này có rất nhiều rủi ro và đã có nhiều vụ vỡ hụi khiến kẻ đi tù, người tiêu tan tài sản. Người dân cần hết sức ý thức, đừng quá tin người khác mà trao gửi tiền không đúng nơi đúng chỗ.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin