Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và đánh vào lòng tham của "con mồi", các đối tượng xấu đã dùng thủ đoạn gian dối lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn. Dù điều này đã được ngành chức năng cảnh báo, thế nhưng với việc sử dụng những chiêu trò, thủ đoạn ngày càng tinh vi, vẫn có không ít nạn nhân bị "sập bẫy" của bọn tội phạm lừa đảo.
Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và đánh vào lòng tham của “con mồi”, các đối tượng xấu đã dùng thủ đoạn gian dối lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn. Dù điều này đã được ngành chức năng cảnh báo, thế nhưng với việc sử dụng những chiêu trò, thủ đoạn ngày càng tinh vi, vẫn có không ít nạn nhân bị “sập bẫy” của bọn tội phạm lừa đảo.
Từ lừa đảo ngoài đời thực
Khoảng đầu năm 2017, Nguyễn Văn Hùng (ngụ huyện Bình Tân) giới thiệu bán “thiên thạch” cho anh H.T.N. Theo lời giới thiệu của y, “thiên thạch” có khả năng làm vỡ kính, rạn nứt nhiệt kế, chuyển vật chất từ thể lỏng sang thể rắn và phá hủy đá lửa của hột quẹt gas.
Nghĩ rằng đây là “hàng độc”, có thể bán lại kiếm lời nên dù Hùng ra giá “thiên thạch” đến 1 triệu USD và yêu cầu phải đặt cọc trước 600 triệu đồng, anh N. vẫn đồng ý. Tuy nhiên, khi nhận được tiền thì Hùng “lặn mất tăm” vì thật ra đây chỉ là màn kịch hoàn hảo mà hắn cùng 3 đồng bọn dựng lên.
Khi vụ lừa đảo bị phanh phui, Hùng khai nhận cuối năm 2017, hắn hẹn gặp đồng bọn gồm Nguyễn Thanh Cần, Bùi Hữu Tuấn, Đặng Ngọc Thành tại một nhà trọ ở TX Bình Minh bàn kế hoạch chế tạo “thiên thạch” với các vật liệu gồm kính, nhiệt kế, quẹt gas, bạc vụn, thuốc tây, nhựa để dùng làm công cụ “biểu diễn” lừa đảo khách hàng.
Để có thể thực hiện hành vi lừa đảo, nhóm của Hùng phân công nhiệm vụ rõ ràng. Theo đó, Hùng vào vai chủ “thiên thạch” đứng ra thỏa thuận việc mua bán với khách hàng.
Thành có nhiệm vụ tráo mẫu vật khi thử nghiệm để khách hàng tin tưởng “thiên thạch” là thật. Tuấn có trách nhiệm bảo vệ “thiên thạch” và khi có khách hàng cần “kiểm tra sản phẩm” thì thực hiện các thủ thuật đánh lừa.
Sau đó, Hùng, Thành và Tuấn điện thoại cho Cần hẹn gặp mặt và giới thiệu có thiên thạch giả có thể làm nứt kính, làm gas trong hột quẹt biến thành nước, rạn nứt nhiệt kế, đông đặc thủy ngân.
Hùng đề nghị Cần làm người môi giới tìm khách hàng để lừa đảo lấy tiền chia nhau tiêu xài. Cần đồng ý và tung tin cho Phan Thanh Dũng (ngụ Tây Ninh) và một người đàn ông tên Đảm (chưa rõ lai lịch) là mình có thiên thạch thật và nhờ giới thiệu khách hàng. Sau đó, 2 đối tượng này giới thiệu anh N. cho nhóm của Hùng.
“Cũng do tôi muốn mua đi bán lại kiếm lời, do không hiểu biết gì về thiên thạch và cũng chưa từng mua bán vật thể này nên đã bị bọn chúng gạt với những thủ thuật tinh vi”- anh N. cho biết thêm, dù các đối tượng trên đã bị pháp luật trừng trị nhưng đây sẽ là bài học nhớ đời dành cho mình.
Đến tội phạm sử dụng công nghệ cao
Thời gian qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, chiếm đoạt số tiền lớn, gây hoang mang cho người dân.
Điển hình như với thủ đoạn đánh cắp tài khoản các trang mạng xã hội, kẻ gian đã dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua điều tra, các đối tượng lừa đảo thường “hack” tài khoản facebook bằng cách dò mật khẩu hoặc lập một trang web giả mạo rồi dẫn dụ người dùng đăng nhập tài khoản này để đánh cắp và nghiên cứu kỹ lưỡng thông tin cá nhân của chủ tài khoản.
Sau đó, chúng sẽ “nhập vai” là chủ các tài khoản này để nhắn tin trò chuyện với những người thân, đối tác làm ăn để thực hiện các hành vi lừa đảo như: vay tiền, nhờ mua đồ đạc, thẻ điện thoại,…
Hầu hết nạn nhân của các vụ lừa đảo này là những người đặt mật khẩu tài khoản đơn giản, dễ nhớ, hoặc những người đang sinh sống tại nước ngoài, để khi bị lừa đảo vay tiền, nhờ mua đồ đạc, thẻ điện thoại,… họ sẽ khó liên hệ ngay được với chủ tài khoản facebook để kiểm chứng thông tin.
Để dẫn dụ người dùng facebook thiếu cảnh giác và đăng nhập vào các đường link giả mạo, các đối tượng thường dùng các thủ đoạn gửi tin nhắn thông báo chủ các tài khoản facebook bị xuyên tạc với nhiều nội dung khác nhau và yêu cầu kích vào đường link, đăng nhập tài khoản facebook của mình để tiếp tục xem nội dung.
Nhưng thực tế, các đường link này đều là giả mạo, được các đối tượng thiết kế tương tự website chính thức của facebook để đánh cắp mật khẩu và tài khoản người dùng.
Thủ đoạn lừa đảo trên chính là những cảnh báo mà Bộ Công an vừa đưa ra mới đây, nhằm kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác trước tình hình hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Nhờ cảnh giác, chị H.T.D. (Tam Bình) may mắn không sụp bẫy kẻ lừa đảo. Theo lời kể của chị D., vừa qua chị nhận tin nhắn từ facebook một người bạn thân nhờ chuyển vào tài khoản ngân hàng 50 triệu đồng.
Theo nội dung tin nhắn, “người bạn” này nói cần chuyển ngay số tiền trên cho đối tác làm ăn nhưng tài khoản hết tiền và đang đi công tác xa nên không thể xoay xở kịp.
Nghi ngờ mình bị lừa vì trước nay chưa từng được yêu cầu chuyển khoản số tiền lớn như vậy qua tin nhắn trên mạng xã hội, chị D. cẩn thận điện thoại cho bạn kiểm tra tài khoản mới hay vừa bị ai đó đăng nhập.
Trước thực trạng này, ngành chức năng khuyến cáo đến người dùng mạng xã hội khi nhận được tin nhắn vay tiền, nhờ mua đồ đạc hay thẻ điện thoại,… thì cần liên hệ trực tiếp cho chủ tài khoản để xác minh thông tin.
Đồng thời, chỉ đăng nhập tài khoản trên website chính thức của facebook và tuyệt đối không đăng nhập vào các trang web nghi vấn hoặc yêu cầu đăng nhập tài khoản một cách bất thường.
Bên cạnh đó, cần cài đặt mật khẩu có tính bảo mật cao và hạn chế sử dụng họ tên, biệt danh, ngày sinh để cài đặt mật khẩu.
Luôn cài đặt mã xác thực qua điện thoại hoặc mail và cài đặt cảnh báo đăng nhập, để kịp thời phát hiện tình trạng đăng nhập bất thường từ thiết bị khác.
THÀNH HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin