Xuất phát từ mâu thuẫn không đáng có trong cuộc sống, mà giá như người trong cuộc biết kiềm chế bản thân, giải quyết mâu thuẫn bằng những lời hay ý đẹp thì một số vụ việc đáng tiếc đã không xảy ra.
Xuất phát từ mâu thuẫn không đáng có trong cuộc sống, mà giá như người trong cuộc biết kiềm chế bản thân, giải quyết mâu thuẫn bằng những lời hay ý đẹp thì một số vụ việc đáng tiếc đã không xảy ra.
Trong cơn say tìm người để “động thủ” do nhớ lại chuyện cũ, dùng “hàng nóng” gây thương tích cho người khác chỉ vì cảm thấy bị xem thường,… là hai trong số rất nhiều thói hành xử mang tính côn đồ, hung hăng của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.
Vốn có nhân thân tốt trong xã hội nhưng trong phút nông nổi không làm chủ được bản thân, các đối tượng phải trả giá cho hành động thiếu kiềm chế bằng án tù. Các vụ án cố ý gây thương tích xảy ra thời gian qua đa phần đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt, thậm chí dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho người khác chỉ để hả giận.
Có hơi men trong người, Hồ Duy Thanh (ngụ xã Mỹ An- Mang Thít) nhớ lại chuyện mâu thuẫn xảy ra trước đó với Đ. nên điện thoại hẹn gặp nhau để giải quyết. Trước khi đi, Thanh vào nhà lấy con dao rồi điều khiển xe máy đến nhà Đ.
Trên đường đi, phát hiện Đ. ngồi uống nước ở một quán ven đường, Thanh dừng xe và tiến đến gần Đ. đánh tới tấp. Bị đánh bất ngờ, Đ. đánh trả khiến Thanh ngã xuống nền gạch.
Thanh nhặt cục gạch đánh trúng vùng trán của Đ. Đ. lấy 2 chai thủy tinh đánh trả nhưng không gây thương tích cho Thanh. Dù sự việc sau đó được người dân xung quanh can ngăn nhưng do đang “hăng máu”, Thanh chạy ra xe lấy con dao quyết ăn thua đủ. Đ. cầm 2 chai thủy tinh đuổi đánh thì bị Thanh “phản đòn”- dùng dao chém tới tấp làm 2 chai thủy tinh rơi xuống đất.
Lúc này, Đ. đưa tay lên đỡ thì bị Thanh chém đứt lìa bàn tay trái. Đ. khom người xuống nhặt bàn tay thì bị Thanh tiếp tục chém trúng vai phải. Tuy nhiên, sau đó Thanh bỏ chạy vì bị Đ. nhặt chai thủy tinh vỡ tấn công làm bị thương ở chân, còn Đ. được người dân xung quanh đưa đi cấp cứu với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 55%.
Sau khi gây án, Thanh thừa nhận do có hơi men trong người cộng với bản tính nóng nảy, khi nhớ lại chuyện xích mích trước đó nên dùng hung khí tìm bị hại giải quyết. Sau khi phạm tội, Thanh cảm thấy ân hận về việc đã làm nên ra đầu thú và chịu sự chế tài của pháp luật, đồng thời không truy cứu việc Đ. gây thương tích cho mình.
Ở một vụ án khác, đối tượng Hồ Hoàng Lợi (ngụ Trà Ôn) gây thương tích 13% cho ông N. chỉ để… thỏa cơn tức giận, trước đó cả hai cũng không hề có mâu thuẫn với nhau. Sự việc xảy ra khi Lợi gặp T. đang trên đường đi mua đồ nhậu, lúc này Lợi nhớ lại chuyện từng mời T. uống rượu nhưng bị từ chối.
Nghĩ rằng T. coi thường mình, Lợi tức giận đạp T. ngã xuống hàng rào trước nhà một người dân. Chưa nguôi cơn giận, Lợi còn lao vào đánh làm T. hoảng sợ bỏ chạy về nhà. Sau khi thoát thân, T. kể lại sự việc với người thân rồi lấy một đoạn kim loại quay lại tìm Lợi trả thù. Khi gặp nhau, cả 2 xảy ra ẩu đả. Lúc này, “máu côn đồ” nổi lên, Lợi chạy vào nhà người dân gần đó lấy 2 con dao rượt chém T.
Đuổi chém T. bất thành, Lợi gặp ông N. (hàng xóm của T.) đang đứng gần đó liền chém luôn cả ông này. Rất may sau đó ông N. kịp chạy thoát thân và được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời, nếu không hậu quả còn nghiêm trọng hơn.
Nông nổi dùng “hàng nóng” để giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng nảy sinh trong cuộc sống, để rồi sau đó phải chịu sự chế tài của pháp luật với những giọt nước mắt ân hận muộn màng. Nhìn lại những vụ án trên để mỗi người rút ra bài học cho chính mình về cách “đối nhân xử thế” trong cuộc sống.
PHẠM TẤN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin