Mở đợt cao điểm truy quét tín dụng đen dịp Tết Nguyên đán 2019

07:12, 19/12/2019

Theo Công an tỉnh Thái Bình, thời gian qua, tình trạng "tín dụng đen" trong cả nước và trên địa bàn tỉnh có nhiều phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy về an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân... 

Theo Công an tỉnh Thái Bình, thời gian qua, tình trạng "tín dụng đen" trong cả nước và trên địa bàn tỉnh có nhiều phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy về an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân... 

Lực lượng công an nắm bắt thông tin về hoạt động của các cơ sở hỗ trợ tài chính, kinh doanh cầm đồ. Ảnh: baothaibinh.com.vn
Lực lượng công an nắm bắt thông tin về hoạt động của các cơ sở hỗ trợ tài chính, kinh doanh cầm đồ. Ảnh: baothaibinh.com.vn

Gần đây, do lực lượng chức năng toàn quốc và trong tỉnh đấu tranh mạnh nên hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh không còn công khai như trước mà núp bóng dưới vỏ bọc cầm đồ, cho thuê xe tự lái, lợi dụng phường hụi... 

Với nhiều thủ đoạn tinh vi như cho vay dưới hình thức lập hợp đồng cho thuê xe máy, ô tô nhưng không giao phương tiện; cầm cố giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lợi dụng phường hụi để huy động vốn và cho vay với lãi suất cao...

Trước tình hình đó, cuối năm 2018, đầu năm 2019, Công an tỉnh Thái Bình đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành chỉ thị tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; ban hành quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình đã lập nhiều phương án, kế hoạch chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao cảnh giác của người dân; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động các cơ sở kinh doanh hỗ trợ, cho thuê tài chính, cầm đồ; huy động các lực lượng ở cơ sở tổ chức tháo, gỡ các tờ rơi, quảng cáo...; đặc biệt đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và truy quét “tín dụng đen” dịp Tết Nguyên đán 2019.

Qua kiểm tra 23 công ty, doanh nghiệp kinh doanh hỗ trợ tài chính, cầm đồ ở 8 huyện, thành phố, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý hành chính 14 cơ sở vi phạm, thu hồi 1 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã bắt, khởi tố 7 vụ, 12 đối tượng phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, trong đó có 3 ổ nhóm chuyên cho vay lãi nặng; khởi tố 2 vụ, 5 bị can và xử lý hành chính 5 vụ, 13 đối tượng, về hành vi cướp tài sản, gây rối trật tự, cố ý gây thương tích, hư hỏng tài sản..., liên quan đến việc đòi nợ. Trong đó, triệt xóa 2 ổ nhóm, 8 đối tượng chuyên đòi nợ thuê gây bức xúc. Qua đó, lực lượng chức năng đã kiềm chế được hoạt động của các công ty hỗ trợ tài chính, nhiều công ty đã tháo biển, dừng hoạt động.

Điển hình như Công an Thành phố Thái Bình mở rộng chuyên án tổ chức đánh bạc và đánh bạc, đã làm rõ trong khoảng thời gian từ tháng 5/2018 đến tháng 1/2019, Nguyễn Mạnh Chiến, sinh năm 1987, trú tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, cùng đồng bọn sử dụng 205 triệu đồng cho 2 người vay với mức lãi suất cao từ 180%/năm đến 264%/năm, thu lợi bất chính số tiền trên 31 triệu đồng. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các đối tượng.

Cũng trong một vụ việc khác, ngày 16/7/2019, Mai Đức Tín (sinh năm 1980, trú tại xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương) cùng một số người đến cửa hàng bán đồ gỗ Phúc Lộc ở thôn Kìm, xã Vũ Lạc, của gia đình chị Ngô Thị Liễu (sinh năm 1985, ở thôn Kìm, xã Vũ Lạc), tháo dỡ đồ vật, tài sản vận chuyển đi nơi khác với mục đích ép chị Liễu trả số tiền đã vay của Tín cùng số tiền lãi. Qua điều tra, ngày 31/7/2019, Cơ quan Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng về hành vi cướp tài sản.

Thượng tá Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình cho biết, thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an huyện, thành phố chủ động đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phòng ngừa, phối hợp với các sở, ngành tăng cường quản lý nhà nước đối với các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ, cho thuê tài chính, dịch vụ cầm đồ; tăng cường các biện pháp nắm tình hình, đấu tranh đối với các ổ nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động lộng hành và tập trung điều tra khám phá nhanh các vụ việc về an ninh trật tự có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và truy quét “tín dụng đen”; phối hợp với viện kiểm sát, tòa án nhân dân chọn một số vụ án điểm đưa ra xét xử lưu động để phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả hơn, Công an tỉnh Thái Bình cũng đề nghị HĐND tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thi hành pháp luật ở địa phương, cũng như có tác dụng phòng ngừa, răn đe đối với tội phạm.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố cần chỉ đạo Thanh tra, Phòng Văn hóa - Thông tin các địa phương chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi dán, rải tờ rơi quảng cáo cho vay tiền mặt không đúng quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần siết chặt việc cấp phép hoạt động cho các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, các công ty kinh doanh hỗ trợ tài chính...

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thái Bình nghiên cứu, chỉ đạo đơn giản thủ tục cho vay, mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch, tổ tư vấn tại các khu dân cư để giải quyết nhu cầu vay vốn trong nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bản chất của "tín dụng đen", tránh rơi vào bẫy "tín dụng đen".

Theo Sơn Hải (TTXVN)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh