Không để "tự xử" trộm chó

03:10, 31/10/2019

Lại thêm một vụ trộm chó dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi 2 nghi phạm bắt trộm chó bị người dân ở một ngôi làng thuộc huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đánh hội đồng khiến 1 người tử vong, 1 người trọng thương.

Lại thêm một vụ trộm chó dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi 2 nghi phạm bắt trộm chó bị người dân ở một ngôi làng thuộc huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đánh hội đồng khiến 1 người tử vong, 1 người trọng thương.

Điều đáng nói là 2 nghi phạm trộm chó không phải bị người dân do quá bức xúc đánh tại hiện trường mà bị dẫn về nhà cộng đồng mới ra tay.

Ngôi nhà lẽ ra là nơi sinh hoạt tập thể, phổ biến những điều hay lẽ phải, công việc chung tốt đẹp của cả buôn làng bỗng chốc trở thành hiện trường của một vụ án nghiêm trọng.

Việc người dân tự xử nghi phạm trộm chó thực sự trở thành vấn đề rất đáng báo động, cần cấp bách giải quyết nếu không muốn phải chứng kiến những vụ việc tương tự trong tương lai.

Lâu nay, có những luồng ý kiến, nhìn nhận khác nhau, thậm chí trái chiều về việc hành xử đối với trộm chó, một vấn đề đã trở thành vấn nạn bức xúc ở nhiều địa phương.

Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra dẫn tới việc người dân tự giải quyết các vụ trộm chó, thay vì đưa tới các cơ quan hữu trách.

Điều đầu tiên dễ thấy là việc trộm chó, theo quy định của pháp luật hiện hành, là hành vi trộm cắp tài sản. Mỗi con chó bị bắt trộm thường có giá dưới 2 triệu đồng, tức là mới ở mức xử lý vi phạm hành chính chứ chưa phải xử lý hình sự.

Đây được xem là một nguyên nhân quan trọng khiến nạn trộm chó gia tăng bởi chế tài pháp luật chưa đủ sức răn đe.

Trong khi đó, bên cạnh nạn trộm chó kéo dài, lan rộng khiến người dân ngày càng bức xúc, con chó không chỉ là vật nuôi trông giữ nhà cửa mà còn là thú cưng, rất được yêu quý với nhiều người.

Các nghi phạm trộm chó dù phải rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm thì người dân mới bắt được và đưa tới các cơ quan hữu trách. Tuy nhiên, phần lớn các tên "cẩu tặc" sau đó lại được thả về với lý do "chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự".

Cứ thế, dần hình thành chiếc vòng luẩn quẩn đẩy mâu thuẫn giữa cộng đồng và những kẻ trộm chó thành thế đối đầu nguy hiểm. Người dân có xu hướng tự xử lý, đánh đập tới thương vong nghi phạm trộm chó, đồng thời tiêu hủy tại chỗ phương tiện gây án.

Còn những kẻ trộm chó thì mang theo hung khí, thậm chí vũ khí sát thương và sẵn sàng tấn công người truy bắt.

Trộm chó do vậy, về pháp luật, không nên chỉ xem là một hành vi trộm cắp tài sản để áp dụng chế tài. Cần xem đây là một vấn nạn xã hội cần cấp bách giải quyết, trước hết dưới góc độ pháp luật.

Nên bổ sung, sửa đổi khung hình phạt, đưa trộm chó thành một tội danh hình sự để có chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe, trừng phạt với các đối tượng vi phạm.

Trong khi chờ đợi để pháp luật theo kịp sự phát triển của cuộc sống, người dân dù bức xúc tới đâu cũng không nên tự hành xử kẻ trộm chó để trước hết là thượng tôn pháp luật, thứ nữa là không biến mình thành người vi phạm pháp luật dẫn tới phải chịu hình phạt nghiêm minh.

Đã có quá nhiều bài học đau xót cho việc này khiến không ít người dân từ nạn nhân đã phải trả giá đắt do những giây phút nóng giận "tự xử" trộm chó.

Theo NLĐO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh