Vụ tai nạn giao thông trên đường đan ấp Tân Nhơn (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long) làm 1 người chết và 1 người bị thương, được xác định do bị hại vừa xuống dốc cầu đã rẽ trái, không nhường đường cho xe từ đường chính chạy đến.
Vụ tai nạn giao thông trên đường đan ấp Tân Nhơn (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long) làm 1 người chết và 1 người bị thương, được xác định do bị hại vừa xuống dốc cầu đã rẽ trái, không nhường đường cho xe từ đường chính chạy đến.
Khoảng 7 giờ 30 ngày 4/1/2019, Võ Phương Quang (SN 2002, trú ấp Tân Nhơn, xã Tân Hạnh- Long Hồ) điều khiển xe gắn máy trên đường đan ấp Tân Nhơn (xã Tân Hòa) đến huyện Châu Thành (Đồng Tháp) để học nghề.
Đến gần nút giao nhau giữa đường đan với dốc cầu Ngang thì Quang có cảm giác bánh xe sau bị chao đảo nên quay mặt về phía sau kiểm tra.
Lúc này, ông Nguyễn Văn Bé (SN 1951, trú ấp Tân Nhơn, xã Tân Hòa) điều khiển xe gắn máy chở vợ là bà Nguyễn Thị Phượng (SN 1952) đang đổ dốc cầu và rẽ trái về hướng xã Tân Hạnh thì thấy xe của Quang chạy đến liền la lên “ê, ê,…”.
Quang quay mặt lại nhìn về phía trước nhưng không xử lý kịp vì khoảng cách 2 xe quá gần dẫn đến va chạm, làm bà Phượng ngã xuống đường bất tỉnh, còn ông Bé bị thương nặng được người dân xung quanh đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đến ngày 9/1/2019, bà Phượng tử vong, còn ông Bé điều trị đến ngày 12/1/2019 thì xuất viện.
Kết quả giám định, nguyên nhân bà Phượng tử vong do chấn thương sọ não, còn ông Bé bị thương cẳng chân trái đã phẫu thuật nhưng chưa đánh giá được di chứng, tỷ lệ thương tích 26%.
Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định lỗi do đổ dốc cầu chuyển hướng rẽ trái nhưng không nhường đường cho xe từ đường chính và đây cũng chính là nguyên nhân gây tai nạn.
Tuy nhiên, xét lỗi của Quang là nghiêm trọng hơn và đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên Công an TP Vĩnh Long đã khởi tố Võ Phương Quang về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Chỉ một chút chủ quan, bất cẩn, không chú ý quan sát khi tham gia giao thông, Quang đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm bà Phượng tử vong và ông Bé bị thương nặng.
Hành vi của Quang được xem là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn giao thông tại địa phương.
Tuy nhiên, ông Bé cũng có lỗi là khi đổ dốc cầu phát hiện xe của Quang từ đường chính chạy đến lẽ ra phải nhường đường để đảm bảo an toàn giao thông nhưng ông Bé vẫn cho xe chuyển hướng dẫn đến tai nạn.
Xét khi phạm tội, Quang là người chưa thành niên nên nhận thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế; song có nhân thân tốt và sau tai nạn gia đình Quang đã tự nguyện bồi thường đáng kể thiệt hại, nên HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt và xét thấy không cần thiết phải bắt Quang chấp hành hình phạt tù mà cho hưởng án treo cũng đảm bảo yêu cầu phòng ngừa chung.
Do đó, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã tuyên án sơ thẩm phạt Võ Phương Quang 1 năm tù treo với thời gian thử thách 2 năm về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Về trách nhiệm dân sự, hai bên thống nhất các khoản bồi thường thiệt hại gồm chi phí điều trị, mai táng, tổn thất tinh thần hơn 358 triệu đồng nhưng vì thiệt hại xảy ra là lỗi hỗn hợp.
Trong đó, lỗi không chú ý quan sát của Quang là nặng hơn so với lỗi phán đoán xử lý sai tình huống của ông Bé nên Quang phải bồi thường 60% và bị hại chịu 40% thiệt hại.
Cụ thể, Quang bồi thường cho ông Bé hơn 214 triệu đồng và hiện đã khắc phục được hơn 120 triệu đồng nên tiếp tục bồi thường hơn 94 triệu đồng. Trường hợp Quang không có tài sản hoặc tài sản không đủ để bồi thường thì cha mẹ Quang phải đứng ra bồi thường thay cho con theo quy định.
Tại khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự quy định tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” như sau: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông gây thiệt hại cho người khác thuộc trường hợp “làm chết người” thì bị phạt tiền từ 30- 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1- 5 năm. Còn tại khoản 3, Điều 24 Luật Giao thông đường bộ quy định: Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường. Cụ thể, tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới. |
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin