Trong trường hợp các giao dịch cho vay với lãi suất 8,3%/tháng thì mới đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự đối với tội cho vay nặng lãi.
Trong trường hợp các giao dịch cho vay với lãi suất 8,3%/tháng thì mới đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự đối với tội cho vay nặng lãi.
So với việc vay ngân hàng lãi suất hơn 10%/ 1 năm nhưng thủ tục khá phức tạp và nhiều trường hợp cần tài sản thế chấp thì hiện nay, dịch vụ cho vay lãi của cá nhân lại là lựa chọn của nhiều người.
Tuy nhiên, họ phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn ngân hàng rất nhiều, có những nơi áp dụng lãi suất 2%/tháng, nhưng có những nơi áp dụng mức lãi suất cắt cổ do chủ nợ đưa ra là 4%/tháng, thậm chí là 6-8%/tháng.
Bộ luật Dân sự quy định như thế nào về mức lãi suất cho vay? Trường hợp cho vay vượt quá mức trần lãi suất quy định sẽ bị xử phạt ra sao?
Ảnh minh họa. |
Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Gia cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, mức lãi suất cho vay là do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Như vậy, có rất nhiều nơi áp dụng mức lãi suất 2%/tháng, có những nơi áp dụng mức 4%/tháng. Chiếu theo quy định, 2%/tháng là 24%/năm, đã vượt quá mức lãi suất cao nhất là 20%/năm.
Pháp luật chỉ bảo vệ đối với mức lãi suất trong phạm vi là 20%/năm, còn với 4% còn lại, pháp luật không bảo vệ nếu các bên có kiện, yêu cầu tòa giải quyết thì tòa chỉ giải quyết trong mức 20%/năm.
Cũng theo Luật sư Hoàng Trọng Giáp, pháp luật không công nhận giao dịch, giao kết với mức lãi suất vượt quá quy định. Như vậy, về mặt pháp luật thì sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Vượt quá 20%/năm thì bị xử lý hành chính, còn đối với trường hợp bị xử lý hình sự là khi mức lãi suất trong giao dịch dân sự mà bên cho vay gấp 5 lần với mức lãi suất cao nhất - 20%/năm (tương đương 1,6%/tháng), tức là 8,3%/tháng (5 x 1,6%).
Trong trường hợp các giao dịch cho vay với lãi suất 8,3%/tháng thì mới đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự đối với tội cho vay nặng lãi theo quy định của Bộ Luật Hình sự.
Trong trường hợp bên vay không trả được cả gốc lẫn lãi và xảy ra tranh chấp, vậy pháp luật có thừa nhận và bảo vệ quyền lợi cho bên vay với lãi suất vượt quá đó hay không?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp cho rằng, việc cho vay cũng là dạng hợp đồng dân sự giữa hai bên với nhau và pháp luật sẽ tôn trọng những nội dung cam kết trong hợp đồng. Tuy nhiên, đối với trường hợp mà lãi vượt quá mức cao nhất mà pháp luật quy định thì pháp luật sẽ không tôn trọng cũng như không bảo vệ.
Trả lời thắc mắc về tội cho vay lãi nặng được quy định trong Bộ luật Hình sự, luật sư Hoàng Trọng Giáp cho biết, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được quy định tại điều 201 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Luật sư Giáp dẫn chứng: “Cụ thể, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ Luật Dân sự và thu lời bất chính từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc bị kết án về tội này chưa được xóa mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Với mức xử phạt cao nhất của điều 201 Bộ Luật Hình sự này thì người vi phạm có thể bị phạt trên 5 năm tù. Như vậy, đối với các trường hợp giao dịch có lãi suất lên đến 8,3%/tháng trở lên là vi phạm pháp luật hình sự ”.
Trên thực tế, có những trường hợp bên A cho bên B vay nặng lãi bằng việc thế chấp tài sản và số tiền vượt qua mức lãi suất được quy định của pháp luật.
Khi đến thời hạn theo thỏa thuận mà bên B không trả được nợ thì bên A có quyền thu hồi tài sản thế chấp đó hay không và cho vay lãi nặng hay không?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp cho rằng, các bên trong quan hệ cho vay lẫn nhau, đến khi đến hạn theo thỏa thuận bên vay không trả được nợ cho bên cho vay thì bên cho vay có quyền yêu cầu các bên thế chấp hoặc bên đang giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó để bên cho vay xử lý.
“Trường hợp này có nghĩa là bên nhận thế chấp sẽ giao tài sản. Ví dụ thế chấp một chiếc ô tô hoặc nhà đất thì bên cho vay sẽ yêu cầu bên vay giao nhà hoặc xe ô tô đó cho mình để xử lý. Trong trường hợp bên vay không đồng ý thì bên nhận thế chấp cũng không thể làm gì được.
Ngoài việc phải yêu cầu tòa án giải quyết, tức là trong trường hợp này bên cho vay không được đơn phương sử dụng biện pháp để thu hồi tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật, mà phải được sự đồng ý của bên vay thì mới được thu giữ.
Trường hợp không còn cách nào khác thì bên cho vay sẽ phải sử dụng biện pháp khởi kiện ra tòa án để xử lý tài sản thế chấp cũng như thu hồi khoản tiền cho vay của mình”, luật sư Hoàng Trọng Giáp giải thích.
Trong trường hợp đòi nợ thông qua tòa án, tức là sử dụng pháp luật - pháp luật tố tụng dân sự quy định rằng: trong trường hợp hai bên có quan hệ vay nợ lẫn nhau và các bên không thỏa thuận được thời hạn trả nợ cũng như số nợ phải trả, số lãi phải trả thì chủ nợ có thể yêu cầu tòa án giải quyết.
Tòa án sau khi nghiên cứu hồ sơ, căn cứ pháp lý sẽ ra một phán quyết cho chủ nợ. Nếu có căn cứ thì yêu cầu con nợ phải trả cho chủ nợ số tiền đã vay.
Tòa án đóng một vai trò rất quan trọng, nhân danh công lý, nhân danh pháp luật, căn cứ trên quy định của pháp luật để ra một phán quyết hợp pháp.
Quan hệ pháp luật dân sự giữa hai bên là việc cho vay dân sự lẫn nhau, trong trường hợp con nợ không có khả năng trả nợ và dẫn đến việc con nợ sẽ không trả nợ được cho chủ nợ thì chủ nợ vẫn tiếp tục quyền của mình là yêu cầu tòa án giải quyết.
Trường hợp sau khi có bản án của tòa án thì chủ nợ có thể yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành thi hành bản án. Tức là tìm hiểu xem con nợ có tài sản ở đâu để thực hiện các biện pháp cưỡng chế cũng như phong tỏa tài sản của con nợ để thu hồi tài sản cho chủ nợ.
Trường hợp này chủ nợ phải sử dụng con đường tòa án tức là con đường pháp luật để đòi nợ chứ không thể đơn phương thực hiện hành vi đòi nợ./.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin