Không lơ là, mất cảnh giác trước hứa hẹn được "đổi đời"

06:07, 30/07/2019

Hầu hết nạn nhân mua bán người là phụ nữ, vì nhẹ dạ, cả tin hay nuôi hy vọng "đổi đời" nơi "miền đất hứa" mà bị dụ dỗ bán sang nước khác làm vợ hoặc bị bóc lột sức lao động.

Hầu hết nạn nhân mua bán người là phụ nữ, vì nhẹ dạ, cả tin hay nuôi hy vọng “đổi đời” nơi “miền đất hứa” mà bị dụ dỗ bán sang nước khác làm vợ hoặc bị bóc lột sức lao động.

Số liệu của Bộ Công an cho thấy, tình hình tội phạm mua bán người đang rất phức tạp, thủ đoạn tinh vi.

Phụ nữ hoạt động trong những ngành nghề nhạy cảm rất dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Ảnh minh họa: Tư liệu
Phụ nữ hoạt động trong những ngành nghề nhạy cảm rất dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Ảnh minh họa: Tư liệu

Đủ chiêu trò lừa gạt

Theo điều tra của Bộ Công an, hầu hết nạn nhân của tội phạm mua bán người bị lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ở các tỉnh phía Nam, đã xuất hiện thủ đoạn xem mặt chọn vợ, kết hôn giả để đưa sang các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan,… làm vợ, sinh con thuê hoặc bán cho các nhà hàng và ép nạn nhân hoạt động mại dâm.

Trên 80% số vụ mua bán người ra nước ngoài, chủ yếu là ở các tuyến biên giới giữa nước ta với Campuchia, Lào, Trung Quốc.

Tình trạng mua bán trẻ em diễn biến phức tạp, tội phạm lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, thông qua mạng xã hội để tiếp cận, rủ rê đi du lịch hoặc làm thuê với hứa hẹn sẽ có thu nhập cao.

Nhưng sự thật nơi “miền đất hứa” là các em bị bán cho các nhà hàng, quán karaoke, massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp,… bị ép bán dâm, cưỡng bức lao động,…

Gần đây, xuất hiện tình trạng môi giới đưa, dẫn người vượt biên ra nước ngoài để lao động bất hợp pháp, sau đó trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người tại nước ngoài. Điều này đang gây khó khăn cho công tác điều tra, giải cứu nạn nhân của lực lượng chức năng.

Với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, các đối tượng đã móc nối, liên kết chặt chẽ với nhau để lừa đảo, tạo lòng tin, sau đó đưa nạn nhân qua biên giới.

Đầu năm 2019, Công an Vĩnh Long nhận được trình báo của cô gái 17 tuổi (ngụ huyện Bình Tân) về việc bị lừa bán sang Trung Quốc.

Theo lời kể, đầu năm 2018, cô gái này làm quen với một người đàn ông qua mạng xã hội và được hứa hẹn sẽ được giúp đỡ sang Trung Quốc làm việc với thu nhập cao.

Cô gái được hướng dẫn đến khu vực cửa khẩu biên giới Lạng Sơn và có người chỉ đường sang Trung Quốc nhưng khi đến nơi thì bị bán cho 2 người đàn ông Trung Quốc mua về làm vợ. Sau đó, cô gái tìm cách liên lạc với người thân và trốn thoát từ Trung Quốc về Việt Nam và đến công an trình báo.

Số liệu thống kê từ năm 2012 đến nay, có hơn 3.000 nạn nhân của tội phạm mua bán người được phát hiện và rất nhiều trong số này vẫn chưa thể đoàn tụ với gia đình.

Quá trình điều tra tội phạm mua bán người cho thấy, loại tội phạm này hầu hết là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về mua bán người.

Chúng cấu kết với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, lừa gạt đưa nạn nhân ra nước ngoài bán.

Đối tượng phạm tội là người nước ngoài cũng ngày càng gia tăng, chúng lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam để tìm cách vào nước ta du lịch, liên kết kinh doanh nhưng thực tế lừa phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa đi làm việc ở nước ngoài, cho nhận con nuôi, kết hôn rồi đưa ra nước ngoài bán.

Không lơ là, mất cảnh giác

Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) dự báo tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguyên nhân phát sinh như lợi dụng hoạt động đưa người di cư trái phép, xuất khẩu lao động, kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, tình trạng thiếu việc làm, sơ hở trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội về an ninh trật tự và sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân.

Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân là hết sức cần thiết để đối phó với loại tội phạm này.

BCĐ Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức phổ biến rộng rãi các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người để người dân ý thức phòng chống.

Đồng thời, lồng ghép việc phổ biến thủ đoạn của tội phạm mua bán người vào các hoạt động ở cơ sở để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội hiện đang phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ hoạt động xuất khẩu lao động an toàn, không để tội phạm lợi dụng hoạt động này để lừa phụ nữ, trẻ em nhằm mục đích bóc lột tình dục và lao động cưỡng bức.

Ngoài ra, lực lượng cảnh sát hình sự cũng có kế hoạch tăng cường công tác quản lý đối tượng, địa bàn và phối hợp với các ngành liên quan chủ động phòng ngừa, ngăn chặn không để tội phạm lợi dụng việc kết hôn có yếu tố nước ngoài, du lịch, dịch vụ,... để lôi kéo, dụ dỗ người dân.

Sở Tư pháp thường xuyên triển khai các văn bản pháp luật mới với nhiều nội dung liên quan đến việc cho nhận con nuôi đến thành viên các hội đồng phối hợp giáo dục pháp luật, báo cáo viên, từ đó tuyên truyền rộng rãi đến người dân.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh