Lao đao vì hụi

07:02, 19/02/2019

Hụi là loại hình góp vốn tương trợ lẫn nhau nhưng diễn ra rất phổ biến vì nhiều người xem đây là một hình thức đầu tư sinh lời. Đến khi vỡ hụi, chủ hụi (đầu thảo) cao chạy xa bay hoặc vướng vào lao lý thì các hụi viên lâm vào tình cảnh lao đao. 

Hụi là loại hình góp vốn tương trợ lẫn nhau nhưng diễn ra rất phổ biến vì nhiều người xem đây là một hình thức đầu tư sinh lời. Đến khi vỡ hụi, chủ hụi (đầu thảo) cao chạy xa bay hoặc vướng vào lao lý thì các hụi viên lâm vào tình cảnh lao đao.

Dù thực trạng trên đã được cơ quan chức năng lẫn báo, đài cảnh báo nhiều lần, nhưng vì muốn có thêm nguồn thu nhập nhiều người vẫn chọn cách chơi hụi và khi rủi ro xảy ra thì “tiền mất, tức mang”.

Qua các vụ vỡ hụi, đa phần đầu thảo lợi dụng niềm tin và sự dễ dãi của các hụi viên để thực hiện hành vi lừa đảo bất chấp luật pháp. Do đó, việc chơi hụi hiện nay không còn hoàn toàn là một hình thức góp vốn để các thành viên san sẻ, hỗ trợ lẫn nhau mà tiềm ẩn rủi ro cao khi “kẻ vào tù, người tay trắng”.

Mới đây, TAND huyện Long Hồ đưa vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (vỡ hụi) ra xét xử đối với bị cáo Lê Thị Kim Ngọc (ngụ ấp Long Quới, xã Thanh Đức- Long Hồ).

Tại tòa, Ngọc khai nhận bắt đầu làm đầu thảo hụi từ tháng 7/2009, dần dần mở nhiều dây hụi cho nhiều người tham gia. Thời gian đầu, Ngọc giao tiền cho hụi viên hốt đúng hẹn nên được tin tưởng và ngày càng có nhiều người đến xin tham gia chơi hụi.

Sau đó, một số hụi viên hốt hụi xong không đóng “hụi chết” nên bị mất cân đối thanh toán mới nghĩ đến việc lập hụi khống, đến khi không còn khả năng chi trả thì tuyên bố vỡ hụi. Với hành vi lừa đảo trên, Ngọc đã chiếm đoạt hơn 399 triệu đồng và bị tòa tuyên phạt 5 năm tù.

Vỡ hụi đã đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh lao đao, bởi số tiền dành dụm tích góp được họ đã đóng vào hụi.

Ông Phan Văn Luôn (ngụ ấp Phú Long B, xã Phú Quới- Long Hồ) từng là nạn nhân của vụ vỡ hụi do bà Nguyễn Thị Bé (ngụ cùng địa phương) làm đầu thảo. Ông Luôn cho biết, là hàng xóm với nhau, vì bận đi làm ăn xa nên hầu hết các kỳ khui hụi, ông đều “ủy quyền” cho bà Bé bỏ thăm và hốt hụi thay.

“Bà Bé làm ăn uy tín, việc bốc thăm và giao tiền cho hụi viên tháng nào cũng y hẹn nên tôi cũng như nhiều bà con trong xóm tin tưởng.

Đến khi vỡ hụi thì mới phát hiện mình đã bị lừa hơn 16 triệu đồng. Đây là tiền dành dụm từ việc làm thuê chỉ mong kiếm thêm đồng lời, không ngờ bà ấy lừa đảo lấy mất”- ông Luôn kể.

Một số hụi viên khác bức xúc cho biết, trong thời gian làm đầu thảo, Bé tung tin đồn rằng gia đình mình có nhiều tài sản giá trị nên các hụi viên tin tưởng. Đến khi Bé tuyên bố vỡ hụi và bị công an khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hụi viên mới “tá hỏa” vì bà chủ hụi chỉ còn lại duy nhất tài sản là nền nhà và lối đi.

Sau khi hành vi lừa đảo bị phát hiện, Nguyễn Thị Bé bị cơ quan điều tra khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vừa qua, TAND tỉnh Vĩnh Long đã đưa vụ án trên ra xét xử. Tại tòa, Bé khai nhận, từ giữa năm 2011 đến năm 2016, Bé đứng ra làm “đầu thảo” mở nhiều dây hụi thu hút nhiều người tham gia.

Mỗi lần khui hụi, Bé thông báo cho các hụi viên đến nhà nhưng nhiều người không trực tiếp đến chứng kiến mà “ủy quyền” cho Bé bỏ thăm. Một số hụi viên khác muốn kiếm thêm đồng lời nên “nuôi hụi” để hốt “hụi chót”.

Lợi dụng sơ hở trên, Bé bắt đầu thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách lấy tên các hụi viên ít đi hoặc vắng mặt lúc khui hụi để bỏ thăm kêu hốt, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng. Với hành vi lừa đảo trên, Bé đã bị tòa tuyên phạt 12 năm tù.

Cũng lợi dụng sự tin tưởng, dễ dãi của các hụi viên, bà chủ hụi Đào Thị Bích Loan (ngụ Phường 5- TP Vĩnh Long) đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 2,8 tỷ đồng để tiêu xài, trả nợ.

Loan khai nhận tại tòa rằng bắt đầu làm đầu thảo từ tháng 4/2015. Thời gian đầu, Loan thể hiện mình là người uy tín trong việc tổ chức khui hụi và giao tiền đúng hẹn nên được nhiều người tin tưởng. Vì vậy, nhiều hụi viên vắng mặt căn cứ vào kết quả Loan thông báo qua điện thoại, để đóng tiền theo kỳ hụi. Lợi dụng điều này, Loan đã lấy tên các hụi viên vắng mặt, tự ý đặt ra hạn mức mỗi kỳ khui hụi và trực tiếp nhận tiền của các hụi viên.

Với số tiền lớn có được, Loan đã dùng trả nợ, tham quan du lịch và mở tiệm trang điểm cho con gái. Loan còn thể hiện mình là người hào phóng khi thường xuyên cùng người thân, bạn bè tổ chức các hoạt động từ thiện. Với “vỏ bọc” này, Loan được nhiều người tin tưởng nên dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo. Đến tháng 5/2016, Loan không còn khả năng chi trả nên tuyên bố vỡ hụi và bị các hụi viên tố cáo.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định Loan đã 80 lần tự ý lấy tên hụi viên để đặt ra hạn mức các dây hụi và khui hụi để chiếm đoạt trên 2,8 tỷ đồng. Với hành vi lừa đảo này, Loan phải trả giá bằng bản án 7 năm tù.

Luật pháp không cấm nhưng cũng chẳng khuyến khích việc chơi hụi. Vì vậy, trước khi tham gia chơi hụi, người chơi cần tìm hiểu rõ nhân thân, tài chính của người làm đầu thảo lẫn hụi viên để “chọn mặt gửi tiền”. Bên cạnh đó phải nhớ rõ, ghi chép số tiền đóng vào, để khi vỡ hụi có chứng cứ pháp lý buộc khắc phục hậu quả. Cần biết rằng, khi chơi hụi phải chấp nhận rủi ro và khi vỡ hụi thì người chịu thiệt nhiều nhất vẫn là hụi viên.

THÀNH HƯNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh