Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn ra phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Gần đây, xuất hiện tình trạng một số đối tượng giả danh cán bộ tòa án dùng số máy lạ điện thoại cho người dân đe dọa, tống tiền. Có trường hợp vì quá lo sợ nên đã nghe theo "hướng dẫn" của bọn lừa đảo và mất tiền oan uổng.
Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn ra phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Gần đây, xuất hiện tình trạng một số đối tượng giả danh cán bộ tòa án dùng số máy lạ điện thoại cho người dân đe dọa, tống tiền. Có trường hợp vì quá lo sợ nên đã nghe theo “hướng dẫn” của bọn lừa đảo và mất tiền oan uổng.
Người dân cần cảnh giác khi nhận được cuộc gọi từ những số máy lạ, không có mã vùng rõ ràng. |
Mới đây, chị K.L. (Phường 2- TP Vĩnh Long) vô cùng hốt hoảng khi nhận được một cuộc gọi có mã vùng từ TP Đà Nẵng điện đến thông báo có “lệnh triệu tập của TAND TP Đà Nẵng”.
Chị L. kể: Đó là giọng của một người đàn ông tự xưng là cán bộ của tòa án. Người này thông báo tôi có mua bảo hiểm và đi khám ở Bệnh viện Đa khoa TP Đà Nẵng, sau đó lấy thuốc có chứa thành phần ma túy.
Người này yêu cầu tôi phải đến TAND TP Đà Nẵng trình báo gấp nếu không sẽ bị bắt, khởi tố hình sự về tội có liên quan đến ma túy và có thể sẽ bị ngồi tù.
Tôi vô cùng hoảng sợ bởi trước đây tôi có làm mất giấy chứng minh nhân dân nên rất sợ có người nào đó nhặt được rồi giả danh mình để làm việc trái pháp luật.
Theo chị L., người này còn “tư vấn” nếu không thể đến trình diện được thì phải chuyển vào tài khoản 10 triệu đồng phí làm thủ tục “thụ lý hồ sơ vụ án để gia hạn thời gian hẹn”.
“Nghe đến đây tôi cảm thấy nghi ngờ nên năn nỉ cho thời gian bàn tính với gia đình rồi sẽ liên hệ lại sau. Vậy là người đàn ông kia cúp máy ngang”- chị L. nhớ lại. Chị L. liên hệ lại số máy trên thì “thuê bao quý khách vừa gọi không thể liên lạc được…”.
Sau đó, chị L. đem sự việc kể lại cho một người bạn làm nghề luật sư thì được biết đây hoàn toàn là thủ đoạn của bọn lừa đảo.
Các đối tượng này chủ yếu giả danh cán bộ công an, tòa án gọi điện thoại cho các bị hại, thông báo họ có liên quan đến các vụ án ma túy, kinh tế, hoặc tài khoản ngân hàng có liên quan đến hành vi rửa tiền.
Khi “con mồi” cắn câu, chúng sẽ tiếp tục gửi đến “lệnh tạm giam” và yêu cầu bị hại chuyển tiền vào số tài khoản do chúng cung cấp để chiếm đoạt.
Để kiểm tra lại thông tin, chị L. đã gọi đến Công an TP Đà Nẵng để trình báo sự việc. Đơn vị này cho hay, gần đây đã tiếp nhận khoảng 30 cuộc gọi của người dân từ khắp nơi trên cả nước phản ánh gặp phải những trường hợp tương tự và đã có nhiều trường hợp bị lừa đảo hàng trăm triệu đồng.
Theo đó, các đối tượng sẽ tự nhận là cán bộ điều tra, đe dọa nạn nhân là có liên quan đến đường dây tội phạm hình sự, tội phạm rửa tiền,… và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của “cơ quan điều tra để làm rõ”.
Cuối năm 2018, TAND TP Cần Thơ đã gửi công văn đề nghị Sở Thông tin- Truyền thông có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn kiểm tra, rà soát, triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo bằng hình thức giả danh cán bộ tòa án.
Theo TAND TP Cần Thơ, vào thời điểm trên đơn vị có tiếp nhận trình báo của người dân về việc nhận được cuộc gọi từ số máy lạ không rõ mã vùng, tự xưng là cán bộ tòa án, thông báo có thụ lý đơn tố giác tội phạm vì đang nợ cước điện thoại với số tiền rất lớn và yêu cầu khách hàng chuyển khoản thanh toán, nếu không sẽ bị cắt dịch vụ và khởi kiện ra tòa.
Trước đó, Sở Thông tin- Truyền thông TP Đà Nẵng đã có công văn gửi các sở, ban ngành và các cơ quan báo chí, cảnh báo về tình trạng lừa đảo tống tiền qua điện thoại.
Sở này đề nghị người dân cảnh giác đối với các tình huống nói trên và khuyến cáo người dân khi có điện thoại gọi đến xưng danh cơ quan tổ chức như: công ty điện thoại, công an, tòa án,... cần từ chối làm việc qua điện thoại và yêu cầu có giấy mời hợp lệ, ghi rõ thông tin cơ quan mời làm việc.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như: số điện thoại, tài khoản, số chứng minh nhân dân,… cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai, sử dụng với mục đích gì.
Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo để chiếm đoạt tài sản cần thông báo về cơ quan công an để có biện pháp theo dõi, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: TRUNG HƯNG- THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin