Nguyên đơn cũng yêu cầu tòa buộc bị đơn phải chịu chi phí định giá các cây cau là 500.000 đồng để hoàn trả vì bà đã phải đóng tạm ứng trước đó.
Nguyên đơn cũng yêu cầu tòa buộc bị đơn phải chịu chi phí định giá các cây cau là 500.000 đồng để hoàn trả vì bà đã phải đóng tạm ứng trước đó.
Ảnh minh họa. Ảnh: Internet |
Mới đây TAND huyện Tri Tôn, An Giang đã xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về tranh chấp yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng khá hy hữu giữa nguyên đơn là bà S. với ông O.
Tại đơn khởi kiện, bà S. trình bày: Chiều 17/7/2017, ông O. tự ý cho người qua vườn cau nhà bà đốn hạ bảy cây cau khi chưa được sự đồng ý của bà. Theo bà S., vườn cau nhà bà có từ xưa, trong khi căn nhà ông O. mới xây dựng khoảng năm 2015. Vườn cau nhà bà và nhà ông O. cách nhau bằng một tường rào cao khoảng 2 m.
Nếu cây cau có ngã đổ thì cũng chỉ đè lên tường rào chứ không thể ngã đến lam cửa sổ nhà như ông O. trình bày. Bà S. cũng thừa nhận trong số bảy cây cau nói trên thì có một cây chết khô ngã lên tường rào. Sau đó ông O. qua nhà bà thông báo, bà có đến xem và nói là sẽ chặt hạ cây cau này mang về nhưng chưa kịp làm.
Sau đó ông O. tự ý kêu người sang cưa hạ bảy cây cau, trong đó chỉ có một cây bà đồng ý cho cưa hạ. Vì thế bà khởi kiện yêu cầu ông O. bồi thường thiệt hại sáu cây cau, tổng trị giá là 4,2 triệu đồng (mỗi cây 700.000 đồng). Đối với ý kiến ông O. cho rằng bà đồng ý cho ông chặt là sai, bởi vì vườn cau là tài sản, là nguồn thu nhập chính của bà. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà S. đã rút một phần yêu cầu bồi thường, chỉ yêu cầu bồi thường hơn 2 triệu đồng.
Bị đơn là ông O. trình bày: Lúc ông chặt cây cau là thời điểm đang có cơn bão số 5 nên giông gió mạnh. Lúc này, một cây cau chết khô ngã đổ lên tường rào nhà ông và làm mẻ phần lam cửa sổ. Ông có sang nhà gặp trực tiếp bà S. thông báo và bà S. nói sẽ kêu người đến mang cây này đi. Lúc này, ông có nói với bà S. là sẽ cưa hạ các cây cau còn lại có khả năng ngã đổ nhưng không nói rõ là bao nhiêu cây và đã được bà S. đồng ý.
Vì thế ông đã bỏ ra 150.000 đồng thuê người sang vườn cau nhà bà S. cưa hạ bảy cây cau có khả năng đổ ngã. Nay bà S. yêu cầu bồi thường thiệt hại với sáu cây cau thì ông không đồng ý, vì lý do trước khi cưa cau ông được sự đồng ý của bà S.
Tại phiên xử sơ thẩm, bà S. yêu cầu ông O. bồi thường theo kết quả định giá ngày 15-8-2018 của tòa án theo giá mỗi cây cau là 345.000 đồng x 6 cây = 2.070.000 đồng. Bà S. cũng yêu cầu tòa buộc ông O. chịu tiền chi phí định giá các cây cau để hoàn trả cho bà 500.000 đồng đã tạm ứng.
HĐXX TAND huyện Tri Tôn nhận định ông O. cho rằng trước khi cưa hạ bảy cây cau, ông được sự đồng ý cho phép của bà S. Nhưng qua ý kiến tại các lần hòa giải cũng như tại phiên tòa, bà S. không thừa nhận việc này nên không có cơ sở chấp nhận lời trình bày của ông O...
Người được ông O. thuê trực tiếp cưa hạ bảy cây cau theo sự chỉ dẫn của ông O. với giá tiền công 150.000 đồng được tòa xác định tư cách tố tụng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Theo tòa, người này không có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại tài sản cho bà S. vì không có lỗi. Ngoài ra, bà S. cũng không có yêu cầu người này phải bồi thường nên HĐXX không xem xét.
Từ những nhận định trên, HĐXX đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà S. buộc ông O. phải bồi thường 2.070.000 đồng vì đã chặt hạ sáu cây cau của bà S. Tòa cũng tuyên buộc ông O. phải chịu 500.000 đồng là tiền chi phí tố tụng cho việc định giá cây cau.
Theo TÂN SƠN (Pháp luật TP. HCM)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin