Nạn nhân "tín dụng đen" bị tạt sơn, dọa cắt gân

06:01, 03/01/2019

Do cần tiền xoay xở trong thời gian ngắn, nhiều người chấp nhận vay tiền nặng lãi để giải quyết công việc. Tuy nhiên, khi đã "cắn câu" "tín dụng đen" thì không ít nạn nhân không còn lối thoát, phải bỏ nhà vì sợ các đối tượng này hành hung, đe dọa đến mạng sống.

Do cần tiền xoay xở trong thời gian ngắn, nhiều người chấp nhận vay tiền nặng lãi để giải quyết công việc. Tuy nhiên, khi đã “cắn câu” “tín dụng đen” thì không ít nạn nhân không còn lối thoát, phải bỏ nhà vì sợ các đối tượng này hành hung, đe dọa đến mạng sống.

Bán nhà vì “tín dụng đen”

Thời gian qua, dù các ngành chức năng và báo đài liên tục tuyên truyền, cảnh báo về hoạt động “tín dụng đen”, nhưng vẫn không ít nạn nhân, chủ yếu là người dân nghèo đã sập bẫy, trở thành con nợ khiến kinh tế họ kiệt quệ, người nghèo càng nghèo hơn, xã hội bất ổn, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Bà G. vẫn chưa hết bàng hoàng khi cửa nhà mình bị các đối tượng tạt sơn khủng bố tinh thần.
Bà G. vẫn chưa hết bàng hoàng khi cửa nhà mình bị các đối tượng tạt sơn khủng bố tinh thần.

Là một trong những nạn nhân của hoạt động “tín dụng đen”, bà V.T.G. (58 tuổi, ở huyện Long Hồ) cho biết, mấy tháng trước, trong một lần đi chợ, bà G. tình cờ nhặt được một tờ rơi quảng cáo cho vay tiền với thủ tục vay đơn giản.

Đang lúc thiếu vốn buôn bán tạp hóa, bà G. đã gọi vào số điện thoại in sẵn trên tờ rơi tìm hiểu, xin vay tiền.

Ngay sau đó, có 2 nam thanh niên nói giọng Bắc, người xăm trổ đầy mình đã đến tận nhà bà G. làm “thủ tục” cho vay 5 triệu đồng bằng hình thức trả góp.

Tuy nhiên, để vay được số tiền 5 triệu đồng này thì bà G. phải tốn 500.000đ tiền “phí” nên trên thực tế bà G. chỉ nhận 4,5 triệu đồng tiền mặt.

Theo thỏa thuận, mỗi ngày, bà G. phải góp 200.000đ cho các đối tượng trên. Góp đủ 30 ngày, tức trả tiền gốc và lãi tổng cộng 6 triệu đồng là dứt nợ.

Để hợp thức hóa, các đối tượng cho vay còn buộc bà G. phải làm hợp đồng mua bán điện thoại và thỏa thuận miệng là không được nói với ai đã vay tiền.

“Tinh vi hơn, nhóm cho vay không bao giờ đến tận nhà người vay thu tiền. Hàng ngày, người vay phải có trách nhiệm tự mang tiền đến gửi cho một người hành nghề bán vé số. Khi đó, nhóm cho vay sẽ gặp người bán vé số thu lại tiền này”- bà G. tiết lộ.

Trong khoảng thời gian vay tiền, bà G. buôn bán ế ẩm nên đã điện thoại cho các đối tượng cho vay xin khất nợ lại vài ngày thì gặp sự phản đối quyết liệt và đe dọa.

Lúc này, bà G. lo sợ nên đã đóng cửa lên TP Hồ Chí Minh gặp con gái làm thuê để xin tiền trả nợ. Bà G. đi được vài hôm thì hàng xóm thông báo, nhà bà bị các đối tượng tìm đến tạt nước sơn rồi khóa luôn cửa chính bằng một ổ khóa lạ.

Không còn cách nào khác, bà G. phải trở về quê để thương lượng với nhóm cho vay, đồng thời treo biển bán nhà để lấy tiền trả nợ “vay nóng” mà không dám trình báo ngành chức năng.

Bị chủ nợ dọa cắt… gân

Bà N. kể lại sự việc các nạn nhân bị hành hung, dọa cắt gân vì trả lãi chậm.
Bà N. kể lại sự việc các nạn nhân bị hành hung, dọa cắt gân vì trả lãi chậm.

Tương tự, vì vướng vào “tín dụng đen” nên kinh tế gia đình bà T.T.N. (56 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) vốn khó khăn nay càng khó khăn hơn.

Bà N. kể, do thấy nhiều người hàng xóm vay tiền dễ dàng, chỉ cần gọi điện thoại trên tờ rơi là có “nhân viên” đến tận nhà tư vấn, hỗ trợ vốn vay nên làm theo, vì đang cần vốn để lấy thêm hàng về bán.

Chưa đầy một ngày, “nhân viên” đã đến tận nhà làm thủ tục rồi “giải ngân” ngay 5 triệu mà chẳng cần phải thế chấp hay chứng minh thu nhập. Ngay sau đó, một thỏa thuận miệng được đôi bên cam kết bằng việc mua bán xe máy.

Theo bà N., vay 5 triệu đồng nhưng bà chỉ nhận được 4,6 triệu đồng tiền mặt, do tốn 400.000đ tiền “phí dịch vụ”.

Trong khi đó, bà N. phải trả cả vốn lẫn lãi là 6 triệu đồng theo hình thức trả góp mỗi ngày là 200.000đ, trong 30 ngày. Riêng đối với trường hợp khó khăn, cứ sau 15 ngày góp (tức đã góp được 3 triệu đồng) thì người vay có thể xin vay lần 2 với 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, do người vay còn nợ 15 ngày góp là 3 triệu đồng nên vay lần 2 này, sau khi trừ các khoản nợ (3 triệu đồng) và “phí” dịch vụ (400.000đ) thì người vay chỉ nhận được 1,6 triệu đồng nhưng phải trả tổng cộng là 6 triệu đồng cho 30 ngày góp (tính lại từ đầu).

“Tui nghe những người từng vay “nóng” nói nếu không trả nợ đúng hạn sẽ bị tạt sơn, chất bẩn vào nhà hay bị dọa cắt gân tay, chân nữa, tui sợ lắm”- bà N. cho biết thêm.

Từ khi vay tiền nặng lãi, do buôn bán lại ế ẩm nên kinh tế gia đình bà N. kiệt quệ và không còn khả năng chi trả. Do sợ ảnh hưởng đến gia đình, bà N. đã thú thật việc mình trót vay tiền “tín dụng đen”. Sau đó, gia đình bà N. đứng ra trả nợ nên bà N. mới được yên thân.

Trước tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh, Ban giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì phối hợp với Công an huyện- thị- thành lên kế hoạch tổ chức đấu tranh với loại tội phạm này. Qua rà soát đã lập danh sách 15 nhóm với 69 đối tượng, đa phần đều ở các tỉnh phía Bắc.

Tiến hành mời gọi 41 đối tượng, 3 công ty đòi nợ thuê ở TP Vĩnh Long (có 1 công ty đã giải tán), tháo gỡ 1.000 tờ rơi dán trên cột điện, vách tường, cây xanh,… Đồng thời đề nghị công an các tỉnh mời gọi 69 người, để phục vụ điều tra, làm rõ xử lý.

HỒNG NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh