Tội phạm và tệ nạn ma túy tăng- những vướng mắc cần tháo gỡ

08:11, 23/11/2018

Báo cáo tại buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Vĩnh Long về số người nghiện và tội phạm liên quan đến ma túy tăng cả về số vụ lẫn mức độ đã làm cho nhiều đại biểu trăn trở với câu hỏi "vì sao"?

Báo cáo tại buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Vĩnh Long về số người nghiện và tội phạm liên quan đến ma túy tăng cả về số vụ lẫn mức độ đã làm cho nhiều đại biểu trăn trở với câu hỏi “vì sao”?

Đại tá Nguyễn Văn Hiểu- Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long- giải trình những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống ma túy tại buổi giám sát của HĐND tỉnh.
Đại tá Nguyễn Văn Hiểu- Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long- giải trình những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống ma túy tại buổi giám sát của HĐND tỉnh.

Người nghiện và tội phạm đang trẻ hóa

Theo báo cáo của Công an tỉnh Vĩnh Long, trong 6 tháng đầu của năm 2018, các cơ quan chức năng đã phát hiện 82 vụ với 220 đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy (tăng 11 vụ, 105 đối tượng), đa số các vụ mua bán ma túy đều do người nghiện thực hiện để có lời sử dụng.

Tình hình người nghiện ma túy cũng tăng do có nhiều người nghiện mới, người nghiện từ nơi khác đến và người cũ tái nghiện. Hiện toàn tỉnh có 1.789 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 317 người), đa số ở ngoài cộng đồng và chỉ có từ 6,4-7% đang được quản lý tại các cơ sở cai nghiện, trại tạm giam, nhà tạm giữ.

Điều làm nhiều người lo lắng không chỉ ở những số liệu trên mà độ tuổi của người nghiện và đối tượng vi phạm liên quan đến ma túy đang ngày càng trẻ hóa cũng là vấn đề đáng báo động.

Cụ thể, trong 1.789 người nghiện đang được quản lý chỉ 3,7% là từ 16 đến dưới 18 tuổi, còn lại đều đang ở tuổi lao động (trên 30 tuổi chiếm 35,3% và từ 18-30 tuổi chiếm hơn 60%).

Đây là những người với sức trẻ, khỏe có thể làm ra nhiều của cải và những việc có ích khác nhưng lại đắm mình trong nghiện ngập trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nguyên nhân cần nhìn nhận

Người nghiện ma túy khi không có tiền giải quyết cơn ghiền rất dễ phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, cướp giật, giết người cướp của,…

Do đó, khi người nghiện tăng cao thì tình hình tội phạm liên quan đến ma túy cũng diễn biến phức tạp. Ở Vĩnh Long, tỷ lệ người nghiện ma túy gây án trong 6 tháng qua chiếm 9,9% số vụ (107 vụ với 117 đối tượng là người nghiện) với các hành vi chủ yếu là trộm cắp, cướp giật tài sản.

Để kéo giảm tình hình tội phạm liên quan đến ma túy, bên cạnh việc tấn công truy quét các loại tội phạm của lực lượng công an, công tác quản lý và đưa người nghiện đi cai nghiện cũng được các địa phương chú trọng. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cao, tỷ lệ tái nghiện và số người nghiện mới vẫn tiếp diễn khiến dư luận bức xúc.

“Do các quy định về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy còn nhiều bất cập nên việc đưa một người sử dụng ma túy vào cơ sở cai nghiện mất rất nhiều thời gian.

Không ít trường hợp, thủ tục đã xong nhưng người nghiện chống đối không chấp hành buộc lực lượng chức năng phải áp giải theo quyết định của tòa.

Thế nhưng khi vào cơ sở cai nghiện mới một nửa hoặc 2/3 thời gian, họ lại được cho về trước hạn và không lâu sau lại tái nghiện, thậm chí có người tái nghiện ngay trên đường về nên nhiều địa phương rất bức xúc”- một cán bộ điều tra cho biết.

Bà Phan Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long- thừa nhận: “Cứ 100 người vào cơ sở cai nghiện thì có đến 70-80% học viên là người cũ tái nghiện.

Còn việc người cai nghiện được cho về là theo quy định, nếu họ chấp hành nội quy và cai nghiện tốt sẽ được xét giảm trước thời hạn. Riêng người nhiễm HIV khi chuyển qua giai đoạn AIDS, cơ sở cai nghiện không có quyền giữ lại mà phải cho họ về để được chăm sóc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Nhiều người trở về địa phương bị người thân xa lánh, xã hội kỳ thị, không tìm được việc làm nên “quay qua, quay lại” là tái nghiện và rơi vào vòng luẩn quẩn trộm cắp, cướp giật bị bắt vào tù hoặc đưa trở lại cơ sở cai nghiện”.

Tháo gỡ khó khăn

Ngoài nguyên nhân người nghiện tăng kéo theo tội phạm liên quan đến ma túy tăng, Đại tá Nguyễn Văn Hiểu- Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long- cho rằng: Công tác quản lý sau cai nghiện và hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng chưa có được những mô hình hiệu quả do chính quyền địa phương và các ngành liên quan khó tiếp cận người nghiện nên gần như chỉ mình công an làm.

Do đó thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tăng cường lực lượng chính quy về cơ sở, hỗ trợ địa phương xây dựng các mô hình phòng chống ma túy và quản lý, giáo dục người nghiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, tăng cường đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, trong đó có tội phạm về ma túy.

Đại diện đoàn giám sát, ông Nguyễn Hữu Trí- Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Vĩnh Long- đánh giá cao công tác phòng chống ma túy, ngăn ngừa tội phạm trên địa bàn tỉnh thời gian qua đồng thời ghi nhận và sẽ phản ánh về trên những kiến nghị ngành công an đang gặp khó như: việc xác định tình trạng nghiện và xử lý người nghiện dưới 18 tuổi;

công tác quản lý người nghiện nhiễm HIV chuyển sang AIDS tại cộng đồng; quản lý, giáo dục người nghiện khi áp dụng biện pháp giáo dục tại xã- phường; việc đưa người nghiện ra khỏi danh sách quản lý.

Ông Hữu Trí cũng lưu ý lãnh đạo công an tỉnh cần quan tâm, rà soát lại các chế độ chính sách dành cho người làm công tác phòng chống ma túy ở cơ sở, nơi nào chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa được cần tìm hiểu nguyên nhân và tháo gỡ kịp thời vì đây là lực lượng góp phần đáng kể vào kết quả phòng chống ma túy ở địa phương.

Quan trọng hơn cả là phối hợp với các ban ngành làm tốt công tác giúp đỡ, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện nhằm kéo giảm số người nghiện và tội phạm liên quan đến người nghiện.

Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh