Hôm nay (12/11), TAND tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và 91 đồng phạm.
Hôm nay (12/11), TAND tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và 91 đồng phạm.
Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm bởi có các bị cáo nguyên là cán bộ Bộ Công an và số tiền mà tổ chức đánh bạc này đã thu của các con bạc là rất lớn, hơn 9.000 tỉ đồng.
Phiên tòa ghi nhận nhiều "kỷ lục" trong lịch sử ngành tòa án ở Phú Thọ
Theo TAND tỉnh Phú Thọ, trong lịch sử tố tụng thì đây là vụ án mà số bị cáo đưa ra xét xử lớn nhất từ trước đến nay, 92 bị cáo. Tòa án cũng triệu tập 14 nhân chứng và 73 cá nhân, pháp nhân được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa. |
HĐXX sơ thẩm vụ án này có 5 người, 2 thẩm phán chính, 3 hội thẩm nhân dân. Trong đó thẩm phán - Chủ toạ phiên toà là bà Nguyễn Thị Thuỳ Hương - Chánh toà kinh tế (TAND tỉnh Phú Thọ). Đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ tham gia phiên tòa có 4 kiểm sát viên.
Trong số 33 luật sư có 30 luật sư bào chữa cho các bị cáo, 3 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam và Tổng công ty viễn thông Mobifone; Công ty cổ phần thanh toán điện tử.
Cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hoá, mỗi người có 3 luật sư đăng ký tham gia bào chữa.
Bị cáo Phan Sào Nam có 3 luật sư bào chữa. Người có nhiều luật sư đăng ký tham gia bào chữa nhất (5 người) là bị cáo Nguyễn Văn Dương.
Do tính chất đặc biệt của vụ án, nhiều bị cáo, nhiều luật sư bào chữa…. Để có không gian cho việc xét xử, TAND tỉnh Phú Thọ bố trí khu vực sân rộng 1.000m2 để phục vụ hơn 200 người tham gia tố tụng, phiên xử dự kiến kéo dài 20 ngày.
Đảm bảo an toàn phiên tòa xét xử vụ đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng
Đây là vụ án nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, do vậy, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, trước phiên xét xử, các phương tiện đã được bảo trì, bảo dưỡng, đảm bảo không để xảy ra những sai sót do yếu tố chủ quan của con người... Các cán bộ của đơn vị đã được tập huấn, trang bị kỹ năng ứng xử và xử lý trong các tình huống phức tạp có thể xảy ra.
Thông tin trên báo Công an nhân dân, Thượng tá Nguyễn Quốc Cường, Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Phú Thọ, đơn vị chủ trì được giao nhiệm vụ phối hợp đảm bảo an ninh tại phiên tòa cho biết, ngoài việc đảm bảo an toàn cho 7 bị cáo đang bị tạm giam tại Trại, đơn vị còn phải lên kế hoạch đảm bảo an toàn cho 85 bị cáo đang tại ngoại, buộc phải có mặt tại phiên tòa. Trong trường hợp họ không đến dự phiên tòa thì các lực lượng được phân công nhiệm vụ có trách nhiệm áp giải họ đến dự phiên tòa đúng giờ.
Ngoài ra, các tổ công tác còn phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Hội đồng xét xử, vật chứng thu giữ, một khối lượng hồ sơ, những người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan, các luật sư, phóng viên đến tác nghiệp cũng như quần chúng nhân dân đến tham dự phiên tòa.
“Mỗi bị cáo lại có ít nhất một người nhà đi cùng, vì thế công tác đảm bảo an ninh, an toàn sẽ nhiều áp lực hơn”- Thượng tá Nguyễn Quốc Cường nói.
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có tới 92 bị cáo được đưa ra xét xử với nhiều tội danh nên số lượng luật sư tham gia bào chữa khá đông. Riêng Đoàn Luật sư TP Hà Nội có 22 luật sư tham gia tố tụng bào chữa cho các bị cáo. Vì vậy, TAND tỉnh Phú Thọ đề nghị Đoàn Luật sư TP Hà Nội phối hợp, trực tiếp chỉ đạo các luật sư thuộc các văn phòng trực thuộc có mặt đầy đủ, đúng thời gian theo giấy triệu tập phiên tòa để bào chữa theo các yêu cầu của bị cáo. Trong trường hợp các luật sư không thể có mặt thì đề nghị xét xử vắng mặt và phải gửi bản bào chữa đến TAND tỉnh Phú Thọ trước thời điểm mở phiên tòa.
Cục trưởng C50 ngăn cấp dưới điều tra sai phạm của CNC
Theo kết luận điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ xác định giữa năm 2011, ông Phan Văn Vĩnh chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa nghiên cứu lập tờ trình xin chủ trương thành lập công ty bình phong cho C50. Trong thời gian xin chủ trương, ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương gặp ông Hóa để hợp tác việc này.
Kiểm đếm số tiền thu được của Phan Sào Nam. (Ảnh: Công an nhân dân) |
Ngày 30/9/2011, Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC). Ngày 10/10/2011, Dương và ông Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh về việc CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 nhận 20%. Tuy nhiên, C50 không góp vốn cũng như không cử cán bộ tham gia vào công ty này mà để Dương tự quyết.
Ngày 3/5/2012, Nguyễn Văn Dương gửi văn bản báo cáo với ông Vĩnh và Hóa về hiện trạng hoạt động cờ bạc trực tuyến tại Việt Nam, đề nghị lãnh đạo Tổng Cục Cảnh sát và C50 “tạo điều kiện hỗ trợ để CNC làm việc với đối tác trong việc xây dựng, tổ chức phát hành các trò chơi cờ bạc trên Internet, tạo nguồn thu để thực hiện nhiệm vụ được giao".
Tháng 5/2015, ông Hóa chỉ đạo phòng tham mưu dự thảo quyết định thành lập công ty bình phong và được ông Vĩnh ký duyệt.
Biết Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương là công ty bình phong của Cục C50, Phan Sào Nam (Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty VTC Online) đã đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng bằng hình thức game bài.
Dương đồng ý. Đến ngày 1/4/2015, Dương chỉ đạo Lưu Thị Hồng (Tổng Giám đốc Công ty CNC) ký với Nam về việc cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ cho dịch vụ Winall khi đơn vị này khai thác thương mại Rikvip.
Quá trình CNC vận hành cổng thanh toán game RikVip, khoảng giữa năm 2015, một cán bộ Phòng, chống tội phạm mạng máy tính (Phòng 2) của C50 phát hiện game bài RikVip có dấu hiệu tổ chức đánh bạc, đánh bạc nên đã báo cáo trưởng phòng.
Thời điểm đó, vị trưởng phòng 2 của C50 đã báo cáo, đề xuất ông Nguyễn Thanh Hóa cho phòng mình tổ chức, xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhưng ông Hóa không đồng ý đề xuất với lý do CNC vận hành game bài RikVip là không vi phạm pháp luật và sẽ báo cáo lãnh đạo Tổng cục và lãnh đạo Bộ để CNC được hoạt động thí điểm, phục vụ công tác nghiệp vụ. Do vậy, Phòng 2 đã không thể tổ chức xác minh.
Phan Sào Nam, Lưu Thị Hồng, Nguyễn Văn Dương, Phạm Tuấn Anh, Nguyễn Quốc Tuấn, Kim Thanh Thủy. (Ảnh: Công an nhân dân) |
Theo kết luận, lúc đó, một số Phó Cục trưởng Cục C50 cũng biết việc CNC kinh doanh game bài RikVip, Tipclub là tổ chức đánh bạc nên đã đề xuất ông Nguyễn Thanh Hóa tổ chức xác minh, xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, một lần nữa, ông Hóa phủi tay, không đồng ý, và cho rằng đây không phải là đánh bạc, không phải tội phạm.
Cũng theo kết luận, để thuận lợi trong quá trình làm ăn, ông Phan Văn Vĩnh đã được Dương tặng đồng hồ Rolex. Mặc dù ông Phan Văn Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỉ đồng, song công an đánh giá việc này là không có cơ sở. Bởi lương của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng một tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập không chi tiêu.
Theo kết luận điều tra, việc Dương khai, đã tặng ông Vĩnh 27 tỉ đồng và 1,75 triệu USD, biếu ông Hóa 22 tỉ đồng là có cơ sở. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ chứng minh nên sẽ đề nghị điều tra xử lý tiếp ở giai đoạn 2. Ngoài ra, Dương còn chi tiền cho ông Vĩnh vào các dịp tết từ 10.000 - 150.000 USD./
Theo Nguyễn Hiền/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin