Án dân sự nhiều- áp lực lớn cho tòa án

06:11, 02/11/2018

Mâu thuẫn, tranh chấp tài sản, quyền lợi nhưng không thể tự thỏa thuận giải quyết theo "tình làng nghĩa xóm" và phải kéo nhau ra tòa. Các vụ án như thế có xu hướng gia tăng, gây áp lực rất lớn đối với ngành tòa án.

Mâu thuẫn, tranh chấp tài sản, quyền lợi nhưng không thể tự thỏa thuận giải quyết theo “tình làng nghĩa xóm” và phải kéo nhau ra tòa. Các vụ án như thế có xu hướng gia tăng, gây áp lực rất lớn đối với ngành tòa án.

Nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai nhùng nhằng trong thời gian dài. Trong ảnh: Một con đường từng bị xây tường chắn ngang khiến nhiều người “bít đường”, phải cầu cứu cơ quan chức năng.
Nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện về đất đai nhùng nhằng trong thời gian dài. Trong ảnh: Một con đường từng bị xây tường chắn ngang khiến nhiều người “bít đường”, phải cầu cứu cơ quan chức năng.

Nhùng nhằng tranh chấp đất đai

Sau khi bỏ tiền ra mua 1 công đất ruộng và giao cho cha mẹ vợ canh tác, anh H.T.D. (Mang Thít) không ngờ phía “nhạc gia” lại tìm cách “hô biến” sang tên giấy tờ để đứng tên “chính chủ” phần tài sản đáng lẽ thuộc về con rể.

Anh D. cho biết, vào năm 2000, anh có nhận chuyển nhượng 1 công đất ruộng của vợ chồng ông N.V.L. (xã An Phước) với giá 22 chỉ vàng. Do tin tưởng nhau nên đôi bên thỏa thuận bằng hợp đồng viết tay, nhưng vì bận làm ăn xa không thể canh tác nên anh giao lại phần đất này cho cha vợ là ông P.N.N. trông coi.

Đến năm 2012, anh D. mới “tá hỏa” khi phát hiện người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại là cha mẹ vợ chứ không phải mình. Ấm ức vì bị “ăn chặn”, anh D. đâm đơn ra tòa yêu cầu giải quyết buộc ông N. trả lại tài sản.

Nhiều vụ việc dân sự tuy không có tình tiết phức tạp nhưng vì giữa các đương sự không “bằng lòng” nên nhùng nhằng, khiến mâu thuẫn càng trở nên gay gắt. Ông N.V.S. (Trà Ôn) có phần đất hơn 4.700m2.

Do vị trí đất nằm trong “thế kẹt” và bị bao bọc xung quanh bởi đất của các hộ khác nên buộc ông S. phải đi nhờ sang đất của ông N.V.N. Sau đó, ông N. lại sang nhượng phần đất có cả lối đi cho ông N.T.V.

Sự việc càng phức tạp khi ông S. xảy ra mâu thuẫn với ông N. và ông V. nên bị 2 người này rào lối đi. “Bít đường”, ông S. đành phải đi đường vòng khá xa nên quyết định khởi kiện ra tòa án yêu cầu giải quyết cho mở lối đi.

Cả 2 lần xử sơ thẩm và phúc thẩm, tòa đều tuyên phần thắng thuộc về ông S. nhưng phía ông N. và ông V. nhất định không thực hiện. Sự việc kéo dài buộc cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải vào cuộc vận động, tìm giải pháp giải quyết bảo đảm quyền lợi các bên.

Chú trọng hòa giải, đối thoại

Giai đoạn từ năm 2017 đến nửa năm 2018, TAND tỉnh Vĩnh Long đã thụ lý trên 950 vụ án dân sự, trong đó đã giải quyết, xét xử xong trên 680 vụ.

Đối với các tòa án cấp huyện, lượng án dân sự thụ lý cao hơn rất nhiều lần, gây áp lực rất lớn đối với ngành tòa án và các thẩm phán. Theo đó, các tòa đã thụ lý trên 9.200 vụ, trong đó đã đưa ra xét xử, giải quyết trên 7.700 vụ, đạt tỷ lệ 83,7%.

Tuy vậy, vẫn chưa đạt chỉ tiêu 85% mà TAND Tối cao đặt ra. Án dân sự chủ yếu là các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động...

Ghi nhận tại một số đơn vị tòa án, các vụ khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến lĩnh vực đất đai có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Nhiều vụ án phải kéo dài nhiều tháng thậm chí nhiều năm, bởi không thu thập đủ chứng cứ và tài liệu liên quan.

Theo ông Cao Văn Lạc- Chánh án TAND huyện Long Hồ, các vụ tranh chấp, chia thừa kế đất đai thường liên quan đến nhiều thế hệ, thời kỳ, không có tài liệu lưu trữ và đương sự là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan lại ở nhiều địa phương khác nhau.

Ông Cao Văn Lạc cho biết thêm, có những vụ mà đương sự không xác định được họ tên, địa chỉ người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc cố tình che giấu thông tin dẫn đến vụ án không được giải quyết đúng. Một số vụ không triệu tập được đầy đủ các đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan dẫn đến sai sót.

Nhiều địa phương đã ghi nhận tình trạng bị đơn trong các vụ tranh chấp đất đai không hợp tác, không cung cấp chứng cứ, đôi khi có những hành vi bất chấp pháp luật như: không cho đo đạc, không có mặt tại nơi tranh chấp, không gửi bản khai, không đến tòa, không cho tòa gặp mặt để lấy lời khai.

TAND tỉnh Vĩnh Long cho biết, sẽ tiếp tục tổ chức hòa giải trong các vụ án dân sự và tăng cường đối thoại trong các vụ án hành chính. Đây là hình thức giúp giảm bớt rất nhiều thời gian giải quyết, chi phí và không cần đến việc mở phiên tòa nên rút ngắn được giai đoạn tố tụng.

Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, ngành tòa án đã tổ chức hòa giải thành hơn 4.300 vụ dân sự. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, một số đơn vị tòa án có tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành cao như TAND TP Vĩnh Long hòa giải thành 272/367 vụ, đối thoại thành 1/1 vụ; TAND huyện Tam Bình từ năm 2017 đến nay đã hòa giải thành trên 820 vụ dân sự.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh