Phòng cháy hơn chữa cháy

03:10, 04/10/2018

Một phút lơ là, bất cẩn trong việc dự trữ hàng hóa, đun nấu, câu mắc điện,... có thể gây ra cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản. Do đó, việc đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) phải được lên phương án trước khi "bà hỏa" đến.

Một phút lơ là, bất cẩn trong việc dự trữ hàng hóa, đun nấu, câu mắc điện,... có thể gây ra cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản. Do đó, việc đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) phải được lên phương án trước khi “bà hỏa” đến.

Diễn tập các phương án chữa cháy nâng cao khả năng ứng phó khi xảy ra cháy nổ.
Diễn tập các phương án chữa cháy nâng cao khả năng ứng phó khi xảy ra cháy nổ.

Cháy nổ do bất cẩn, chập điện

Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ cháy, làm chết 2 người, bị thương 1 người, thiệt hại tài sản trên 8,1 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do chập điện, bất cẩn trong việc sử dụng lửa sinh hoạt, rò rỉ khí gas,…

Nhiều cơ sở kinh doanh chứa nhiều hàng hóa nhưng không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC nên khi xảy ra cháy nổ gây thiệt hại lớn. Vụ cháy xảy ra vào giữa tháng 4 vừa qua tại nhà máy xay xát gạo của ông N.V.T. (ấp Phú Hòa B, xã Chánh An- Mang Thít) gây thiệt hại tài sản hơn 700 triệu đồng.

Vào thời điểm trên, lửa bốc lên từ khu vực trữ lúa và nhanh chóng lan sang khu vực lân cận. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ điều động 2 xe chữa cháy và hơn 20 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường.

Tuy nhiên, xe chữa cháy không thể tiếp cận nhà máy nên phải sử dụng máy bơm nước di động và các phương tiện khác chữa cháy. Đến tối cùng ngày, đám cháy mới được dập tắt. Thời điểm xảy ra vụ cháy, trong nhà máy có khoảng 23 tấn lúa và nhiều trang thiết bị.

Trước đó, tại một cửa hàng thời trang trên đường Lê Thái Tổ (Phường 2- TP Vĩnh Long) đã xảy ra vụ cháy lớn, thiêu rụi nhiều quần áo. Vụ cháy xảy ra vào thời điểm chủ cửa hàng đóng cửa đi vắng, hệ thống điện bên trong không đảm bảo, gây chập cháy. Theo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), để gây cháy phải có 3 yếu tố chính gồm: mồi lửa, chất gây cháy và ôxy.

Vào mùa khô, những nơi như tường nhà, hay các vật dụng thường xuyên được chiếu sáng bởi ánh sáng mặt trời chỉ cần mồi lửa là có thể xảy ra cháy nổ. Còn mùa mưa bão, nguyên nhân gây cháy nổ chủ yếu là do chập điện.

Tình trạng nhiều trụ điện, cây xanh, nhất là tại các khu đô thị phải “oằn mình” cõng đủ loại dây điện, cáp truyền hình, Internet, viễn thông,… không chỉ gây mất mỹ quan mà mưa bão, gió giật hoặc cây cối gãy đổ sẽ dẫn đến chập điện gây cháy.

Qua điều tra cũng cho thấy, vào mùa mưa bão, các vụ cháy nổ do chập điện thường xảy ra vào ban đêm. Nguyên nhân do mưa nhiều làm hơi ẩm bốc lên bám vào dây điện, thiết bị điện gây ra sự cố. Nếu không may cháy nổ xảy ra vào thời điểm này thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản là rất lớn.

Tăng cường các biện pháp phòng cháy

Trên địa bàn tỉnh hiện có 65 chợ các loại, khoảng 600 cơ cở, cửa hàng kinh doanh, kho chứa xăng dầu, gas. Đây là những cơ sở, mặt hàng kinh doanh đòi hỏi rất cao về điều kiện an toàn về PCCC.

Ngoài ra, theo Trung tá Nguyễn Văn Tiến- Đội trưởng Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC (Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ- Công an tỉnh), toàn tỉnh hiện có 2.200 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có khoảng 1.200 cơ cở thuộc diện nguy hiểm về cháy nổ.

Gần đây, đoàn kiểm tra liên ngành về PCCC đã tổ chức kiểm tra các công trình công cộng, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khách sạn, cửa hàng xăng dầu, hóa chất, các khu công nghiệp có sử dụng chất lỏng, nguyên vật liệu dễ cháy.

Trong đó, đoàn đã kiểm tra điều kiện an toàn về PCCC, phương tiện, lực lượng chữa cháy tại chỗ của hơn 1.200 cơ sở kinh doanh. Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về bảo hiểm cháy nổ, lối thoát nạn không đảm bảo, bảo quản phương tiện chữa cháy không đúng quy định, công trình đưa vào tổ chức hoạt động chưa nghiệm thu về công tác PCCC.

Để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình trước nguy cơ cháy nổ, đoàn kiểm tra lưu ý người dân và các cơ sở kinh doanh phải trang bị một số phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay, quản lý nguồn điện chặt chẽ, nhất là việc câu mắc điện, sử dụng các thiết bị điện, lựa chọn các thiết bị truyền tải điện phù hợp. Việc sử dụng cầu dao điện có thiết bị bảo vệ tự động ngắt cũng rất cần thiết trong việc hạn chế tình trạng quá tải, rò rỉ điện gây mất an toàn.

Việc sử dụng bình gas để nấu nướng trong nhà cần chú ý đóng ngắt sau khi sử dụng. Nếu sử dụng bếp dầu, đèn dầu phải đảm bảo an toàn đề phòng dầu chảy loang gây cháy hoặc sử dụng bếp củi, bếp than đề phòng gió thổi tàn lửa bay đến vật liệu dễ cháy. Những chỗ thờ cúng cũng hết sức chú ý nguồn điện, nguồn nhiệt,…

Đối với các khu chung cư, nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh, phải đảm bảo điều kiện về lối thoát hiểm, hệ thống báo cháy phải hoạt động tốt và hệ thống PCCC phải đáp ứng cứu chữa kịp thời.

BCĐ PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp củng cố, bổ sung lực lượng chữa cháy tại chỗ, bảo đảm lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Thường xuyên rà soát, xây dựng, bổ sung, thực tập phương án chữa cháy, chú trọng phương án huy động nhiều lực lượng cùng tham gia. Khi xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng an sinh xã hội phải khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định tình hình và định hướng dư luận.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TẤN PHONG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh