Phấn đấu không để xảy ra án bị hủy, sửa

07:10, 23/10/2018

Thực trạng các loại án có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây đang gây áp lực rất lớn đối với ngành tòa án. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử, đảm bảo đúng người, đúng tội, nghĩa vụ và quyền lợi của những người liên quan, tình trạng án bị hủy, sửa vẫn còn xảy ra, đòi hỏi ngành tòa án phải nỗ lực nhiều hơn.

 

Thực trạng các loại án có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây đang gây áp lực rất lớn đối với ngành tòa án. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử, đảm bảo đúng người, đúng tội, nghĩa vụ và quyền lợi của những người liên quan, tình trạng án bị hủy, sửa vẫn còn xảy ra, đòi hỏi ngành tòa án phải nỗ lực nhiều hơn.

Các vụ án được ngành tòa án giải quyết, xét xử đúng người, đúng tội, đảm bảo quyền lợi các bên liên quan. Ảnh minh họa
Các vụ án được ngành tòa án giải quyết, xét xử đúng người, đúng tội, đảm bảo quyền lợi các bên liên quan. Ảnh minh họa

Các loại án tăng

Theo báo cáo của TAND tỉnh, từ năm 2017 đến nay, ngành tòa án thụ lý trên 11.400 vụ và đã giải quyết, xét xử trên 9.600 vụ. Trong đó, tòa án tỉnh thụ lý trên 1.300 vụ, tòa án cấp huyện thụ lý trên 10.100 vụ. Bình quân mỗi thẩm phán giải quyết gần 6 vụ/tháng.

Hầu hết các đơn vị tòa án đều ghi nhận sự gia tăng của các loại án so thời gian trước. Năm 2017, TAND TP Vĩnh Long thụ lý 1.130 vụ, tăng 105 vụ so năm trước. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, tòa thụ lý 707 vụ, tăng 29 vụ so cùng kỳ.

Tại TAND huyện Tam Bình, do lượng án thụ lý rất lớn nên trung bình mỗi thẩm phán phải giải quyết khoảng 7,41 vụ/tháng. Từ năm 2017 đến giữa năm 2018, tòa đã thụ lý trên 1.400 vụ, trong đó có 93 vụ từ năm trước còn tồn đọng.

Án hình sự do TAND tỉnh thụ lý chủ yếu liên quan đến các tội danh như: giết người (25 vụ, 38 bị cáo), hiếp dâm trẻ em (15 vụ, 15 bị cáo), lừa đảo chiếm đoạt tài sản (10 vụ, 15 bị cáo), tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy (3 vụ, 3 bị cáo).

Án hình sự do tòa án cấp huyện thụ lý đa số là trộm cắp tài sản (230 vụ, 300 bị cáo), vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ (75 vụ, 75 bị cáo), cố ý gây thương tích 73 vụ, 112 bị cáo), giao cấu với trẻ em (22 vụ, 22 bị cáo).

Riêng án dân sự do tòa án 2 cấp thụ lý hầu hết là các vụ việc dân sự, hôn nhân, kinh doanh thương mại, lao động.

Ông Ung Văn Hùng- Chánh án TAND TP Vĩnh Long- cho biết, trung bình mỗi năm tòa thụ lý khoảng 900 vụ dân sự. Đa số các vụ án này muốn giải quyết “đến nơi đến chốn”, bắt buộc phải tiến hành các biện pháp thu thập rất nhiều tài liệu, chứng cứ nên mất rất nhiều thời gian. 6 tháng đầu năm 2018, tòa đã hòa giải thành 272/367 vụ việc dân sự, đối thoại thành 1 vụ hành chính.

Theo ông Ung Văn Hùng, đây là sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ thẩm phán, thư ký, giúp các đương sự tự thỏa thuận với nhau, giải quyết triệt để mâu thuẫn, giảm bớt các giai đoạn tố tụng.

Hạn chế án hủy, sửa

Theo ông Huỳnh Thanh Hùng- Chánh án TAND huyện Tam Bình: Tòa đã thực hiện 14 giải pháp về nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Quá trình xét xử, chủ tọa các phiên tòa dành thời gian để các bên tranh luận nhằm tìm ra sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo khi ra bản án phải đúng với diễn biến của phiên tòa và pháp luật. Các bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của TAND Tối cao, thể hiện sự công khai, minh bạch.

Bên cạnh sự nỗ lực và kết quả đạt được, một số đơn vị tòa án vẫn còn xảy ra tình trạng án bị hủy, sửa. Từ năm 2017 đến nay, tòa án 2 cấp có 213 bản án bị sửa và 65 bản án bị hủy. Theo TAND tỉnh, các vụ án bị hủy do tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa thu thập chứng cứ đầy đủ, thiếu người tham gia tố tụng hoặc cấp phúc thẩm phát sinh tình tiết mới.

6 tháng đầu năm 2018, TAND TP Vĩnh Long tiếp nhận 47 bản án, quyết định phúc thẩm, giám đốc thẩm. Trong đó, giữ nguyên bản án sơ thẩm 43 vụ, hủy 2 vụ. Theo ông Ung Văn Hùng, các thẩm phán có án bị hủy sẽ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm và TAND thành phố đã có văn bản trình Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh xem xét, kết luận lỗi chủ quan hay khách quan.

Tuy nhiên, theo ông, qua kiểm tra, rà soát chưa phát hiện trường hợp nào có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Nguyên nhân chính là do một số thẩm phán còn hạn chế về trình độ chuyên môn trong việc đánh giá tài liệu, chứng cứ nên dẫn đến án bị hủy.

Tại buổi khảo sát vừa qua của HĐND tỉnh về nâng cao chất lượng xét xử của ngành tòa án, ông Nguyễn Minh Dũng- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh- lưu ý ngành tòa án nỗ lực không để xảy ra án bị hủy, sửa.

Bên cạnh, kiểm điểm nghiêm khắc đối với những thẩm phán có án hủy, sửa do lỗi chủ quan. Việc làm này là hết sức cần thiết để không làm người dân mất niềm tin vào hội đồng xét xử, tòa án nói riêng và ngành tư pháp nói chung.

Đồng thời, nâng cao chất lượng xét xử và trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là thẩm phán.

Cần kiểm tra, giám sát xuyên suốt quá trình xét xử để tránh sai sót. Hội đồng xét xử phải thật sự công tâm và khách quan. Quá trình xét xử, giải quyết phải minh bạch, công khai, dân chủ, đối thoại và tranh tụng nhiều hơn nữa để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của ngành tòa án.

Hòa giải thành trên 4.300 vụ việc dân sự

Theo báo cáo của TAND tỉnh, trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, ngành tòa án đã chú trọng nguyên tắc tự định đoạt và tự nguyện thỏa thuận của các đương sự trên cơ sở pháp luật. Từ năm 2017 đến nay, đã hòa giải thành 4.348/7.216 vụ việc dân sự. Kết quả này góp phần rút ngắn thời gian và không cần mở phiên tòa xét xử, giảm bớt một số quy trình tố tụng.

Ngoài ra, ngành tòa án còn tổ chức đối thoại trong các vụ án hành chính, giữa người khiếu kiện với người bị kiện là các cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TUYẾT NGA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh