Liên quan đến tài xế sử dụng nồng độ cồn quá quy định gây tai nạn khi tham gia giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất nếu lái xe mà nồng độ cồn cao ở mức nào đó thì tịch thu phương tiện, thậm chí phạt hình thức khác, như lao động công ích, hoặc học lại mới nhận bằng.
Cảnh sát giao thông tiến hành đo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Liên quan đến tài xế sử dụng nồng độ cồn quá quy định gây tai nạn khi tham gia giao thông, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất nếu lái xe mà nồng độ cồn cao ở mức nào đó thì tịch thu phương tiện, thậm chí phạt hình thức khác, như lao động công ích, hoặc học lại mới nhận bằng.
Theo ông Hùng, nữ tài xế BMW gây tai nạn ở Hàng Xanh (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ là một "giọt nước tràn ly", vì xưa nay hiếm khi thấy nữ lái xe sử dụng rượu bia quá mức.
“Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất nếu lái xe mà nồng độ cồn cao ở mức nào đó thì tịch thu phương tiện nhưng cũng có người phản đối, đơn cử như phạt 4 triệu đồng với hành vi lái xe máy uống rượu bia quá quy định, nhưng chiếc xe máy chỉ có giá trị 2 triệu nên chủ xe sẵn sàng bỏ luôn phương tiện,” ông Hùng nhìn nhận.
Khẳng định tới điểm này Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và cả bản thân chưa ủng hộ chế tài hình sự hóa hành vi uống rượu bia lái xe nhưn gông Hùng ủng hộ tiếp tục duy trì chế tài mạnh, thậm chí phạt hình thức khác, như lao động công ích, hoặc học lại mới nhận bằng.
“Nhiều người nói Nhà nước làm sao giúp người dân nộp phạt thuận lợi hơn khi vi phạm nhưng đôi khi hơi ngược với mong muốn của chúng ta khi hình phạt để răn đe, tăng nhận thức và thay đổi hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông,” ông Hùng bày tỏ quan điểm.
Đề cập đến việc nhiều nước hình sự hóa hành vi điều khiển phương tiện quá nồng độ cồn quy định nhưng tại Việt Nam thì chưa thực hiện chế tài này, theo ông Hùng, mỗi nước có điều kiện khác nhau, môi trường thực thi pháp luật hình sự khác nhau.
“Lần này, Ủy ban Giao thông Quốc gia thống nhất quy định hiện hành đã đủ mạnh, nhưng chỉ quan trọng là thực thi thế nào,” ông Hùng nói.
Trước đó, vào khoảng 23 giờ ngày 21/10, chiếc xe ôtô hiệu BMW biển số 51F-27910 chạy tốc độ cao trên đường Điện Biên Phủ hướng từ quận 1 về cầu Sài Gòn. Khi đến ngã tư Hàng Xanh, phường 21, quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) thì cuốn hàng loạt xe máy đang dừng chờ đèn đỏ vào gầm làm một người chết và nhiều người bị thương.
Chưa dừng lại, chiếc xe này tiếp tục lao lên phía trước đâm vào chiếc xe taxi biển số 51A-398.67 đang rẽ vào vòng xoay.
Vụ tai nạn khiến chị Nguyễn Thị Kim Phụng (sinh năm 1980, quê Đồng Nai) bị vướng dưới gầm xe kéo lê hàng chục mét, tử vong ngay tại chỗ.
Qua xác minh, người phụ nữ điều khiển ôtô là Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1972, trú tại quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi điều khiển ôtô bà Nga có sử dụng rượu bia.
Đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, đêm 21/10 Bệnh viện tiếp nhận cấp cứu cho 5 nạn nhân, trong đó có hai nạn nhân bị chấn thương nặng, còn lại những người bị thương nhẹ sau khi sơ cứu đã xuất viện./.
Theo VIỆT HÙNG (VIETNAM+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin