"Có sai sót về chuyên môn"

05:09, 12/09/2018

Ngày 11/9/2018, ông Nguyễn Công Tuấn- Phó Giám đốc Sở Y tế- cho biết, sau khi Hội đồng chuyên môn đánh giá về việc tiếp nhận cấp cứu trường hợp này, Sở Y tế đã có công văn gửi đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh yêu cầu tổ chức cuộc họp kiểm điểm bác sĩ trực cấp cứu có sai sót về chuyên môn và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Liên quan đến vụ Thiếu úy Nguyễn Đức Đạt- công tác tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế- ma túy (Công an huyện Long Hồ)- tử vong do uống nhầm nước có chứa ma túy, ngày 11/9/2018, ông Nguyễn Công Tuấn- Phó Giám đốc Sở Y tế- cho biết, sau khi Hội đồng chuyên môn đánh giá về việc tiếp nhận cấp cứu trường hợp này, Sở Y tế đã có công văn gửi đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh yêu cầu tổ chức cuộc họp kiểm điểm bác sĩ trực cấp cứu có sai sót về chuyên môn và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Ca nước có chứa ma túy mà Thiếu úy Nguyễn Đức Đạt đã uống. Ảnh: Tư liệu
Ca nước có chứa ma túy mà Thiếu úy Nguyễn Đức Đạt đã uống. Ảnh: Tư liệu

Theo đó, vào ngày 31/8/2018, Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp hội đồng chuyên môn gồm 25 người, trong đó có 4 chuyên gia tuyến trên là trưởng và phó Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy), Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp và chuyên viên Phòng Kế hoạch tổng hợp (Viện Pháp y tâm thần Trung ương phía Nam).

Ngoài ra, còn có 19 thành viên của Sở Y tế và 2 thư ký của hội đồng để xác định những nội dung như: nhân viên trực cấp cứu BVĐK Vĩnh Long đêm 13/7/2018 xử trí đối với trường hợp bệnh nhân Nguyễn Đức Đạt khi vào bệnh viện là đúng hay sai?

Nếu có sai thì ai sai? Có thiếu trách nhiệm không? Trường hợp Đạt uống nhầm ma túy Methamphetamine sau 2,5 giờ có cứu chữa được không và xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan.

Sau cuộc họp, hội đồng chuyên môn đã đưa ra kết luận. Theo đó, có sai sót về chuyên môn là chưa khai thác bệnh sử và thăm khám đầy đủ nên chẩn đoán ban đầu còn chủ quan, vội vàng do hạn chế về chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ trực (trường hợp này là một ca khó loại trừ về cấp cứu tâm thần) nhưng không có biểu hiện thiếu trách nhiệm.

Về dược động học, sau khi uống Methamphetamine, nồng độ đỉnh trong máu sẽ đạt được sau 2 đến 3 giờ.

Dựa vào kết quả giám định pháp y biểu hiện của tổn thương đa cơ quan phù hợp với ngộ độc nặng Methamphetamine.

Tuy nhiên, do không xác định được liều lượng uống nên không thể khẳng định trường hợp này sau khi uống Methamphetamine 2,5 giờ có cứu chữa được không.

Trong công văn Sở Y tế gửi đến Ban Giám đốc BVĐK về việc thực hiện kết luận của hội đồng chuyên môn, Sở Y tế yêu cầu BVĐK tổ chức cuộc họp kiểm điểm bác sĩ trực cấp cứu có sai sót về chuyên môn và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Sở cũng yêu cầu BVĐK báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 14/9/2018. Đồng thời, giao Thanh tra Sở Y tế trả lời xác minh đơn phản ánh của bà Trần Thị Xuân Tươi liên quan đến việc tiếp nhận và xử lý bệnh nhân Nguyễn Đức Đạt tại Khoa Cấp cứu (BVĐK).

Như tin đã đưa, tối 13/7/2018, Thiếu úy Nguyễn Đức Đạt và đồng đội công tác tại xã Long Phước (Long Hồ).

Tại đây, Đạt cùng đồng đội vây bắt đối tượng ma túy đưa lên xe về trụ sở để điều tra. Lúc này, Thiếu úy Đạt khát nước nên khi thấy ca nước tại nhà nghi phạm đã lấy uống.

Trên đường về trụ sở Công an xã Long Phước, Đạt cảm thấy trong người khó chịu, mất kiểm soát hành vi nên nghi là uống nhầm ma túy. Đồng đội Thiếu úy Đạt đã điện báo cho cơ quan và gia đình thông tin sự việc và chở Đạt đến BVĐK tỉnh Vĩnh Long cấp cứu.

Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có biểu hiện bệnh tâm thần nên chuyển sang Bệnh viện Tâm thần điều trị, sau đó Thiếu úy Đạt tử vong.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 17/8, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng bị can Nguyễn Hữu Đang (21 tuổi, ngụ xã Thanh Đức- Long Hồ) để điều tra về hành vi tàng trữ trái phép các chất ma túy. Bị can Đang có liên quan đến vụ án ma túy khiến Thiếu úy Đạt uống nhầm nước có chứa ma túy.

TRUNG HƯNG

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh