Trắng tay vì vỡ hụi

06:09, 20/09/2018

Hụi là hình thức góp vốn dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân, có người đứng ra làm "đầu thảo" thu gom và ăn hoa hồng. Tuy nhiên, nhiều chủ hụi đã lợi dụng sự tin tưởng của các hụi viên để lừa đảo bằng cách lập các dây hụi khống, khiến nhiều người lâm vào cảnh trắng tay.

 

 

Bị cáo Nguyễn Thị Khoa tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Tư liệu
Bị cáo Nguyễn Thị Khoa tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Tư liệu

Hụi là hình thức góp vốn dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân, có người đứng ra làm “đầu thảo” thu gom và ăn hoa hồng. Tuy nhiên, nhiều chủ hụi đã lợi dụng sự tin tưởng của các hụi viên để lừa đảo bằng cách lập các dây hụi khống, khiến nhiều người lâm vào cảnh trắng tay.

Bà Nguyễn Thị Lệ (ấp Phước Lộc A, xã Bình Phước- Mang Thít) từng là nạn nhân của hành vi lừa đảo của chủ hụi. Theo lời bà, năm 2012, bà tham gia vào dây hụi do Nguyễn Văn Tuấn (ngụ ấp Phước Lộc) làm “đầu thảo”.

“Tuấn làm ăn rất uy tín, việc bốc thăm và giao tiền cho hụi viên tháng nào cũng y hẹn nên tui và nhiều bà con trong xóm rất tin tưởng. Đến khi vỡ hụi thì tui mới phát hiện mình đã bị lừa hơn 150 triệu đồng”- bà Lệ kể. Tương tự, bà Nguyễn Thị Tuyết Vân (xã Tân Long) cũng lâm vào cảnh trắng tay vì bao nhiêu tiền dành dụm được đều góp vào các dây hụi của Tuấn.

Sau khi hành vi lừa đảo bị phát hiện, Nguyễn Văn Tuấn đã bị cơ quan điều tra khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vừa qua, TAND tỉnh Vĩnh Long đã đưa vụ án ra xét xử. Tại tòa, Tuấn khai nhận, từ tháng 2/2012 đến tháng 7/2016, Tuấn cùng vợ là Trần Thị Thúy đứng ra làm “đầu thảo” tổ chức các dây hụi thu hút nhiều người tham gia.

Thời gian đầu, chỉ là các dây hụi nhỏ lẻ, từ 1- 5 triệu đồng, sau đó là các dây hụi tháng, hụi mùa, hụi năm, hụi vàng,... Tuấn và vợ có nhiệm vụ gom tiền và giao cho hụi viên đúng kỳ hạn với hoa hồng 40%/phần hụi.

Trong thời gian này, Tuấn lâm vào cảnh nợ nần nên tìm cách lừa đảo các hụi viên để chiếm đoạt tiền. Theo đó, Tuấn lập các dây “hụi ma” và lấy tên các hụi viên không đến hốt để chiếm đoạt tiền.

Tuấn tạo lòng tin bằng cách photo danh sách mỗi dây hụi giao cho từng hụi viên và giao tiền rất đúng hẹn nên nhiều người tin tưởng, các dây hụi của Tuấn ngày càng đông. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn, Tuấn đã chiếm đoạt của các hụi viên gần 1 tỷ đồng. Với hành vi lừa đảo của mình, Tuấn đã bị tòa tuyên phạt 9 năm tù.

Riêng vợ của Tuấn là Trần Thị Thúy, tuy có hành vi giúp sức cho chồng thực hiện hành vi phạm tội nhưng không biết chồng lập hụi khống, tự ý lấy tên hụi viên để chiếm đoạt tiền tiêu xài nên không xử lý.

Cũng lợi dụng sự nhẹ dạ, tin tưởng của các hụi viên, bà chủ hụi Nguyễn Thị Khoa (SN 1985, ngụ ấp Phước Chí A, xã Bình Phước) đã lừa gạt 70 hụi viên, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Ngoài tư cách là “đầu thảo” để hưởng hoa hồng, Khoa cũng tham gia chơi 15 dây hụi. Khoa luôn thể hiện mình là người uy tín trong việc gom và giao tiền hụi nên được người khác tin tưởng, từ đó trong các kỳ khui hụi, nhiều hụi viên không đi khui thì “ủy quyền” cho Khoa bỏ thăm dùm.

Lợi dụng lòng tin này, Khoa đã dùng tên, địa chỉ giả hoặc mượn tên của các hụi viên nhưng không được sự đồng ý để lập hụi khống, chiếm đoạt tiền. Trong 15 dây hụi thì có đến 7 dây hụi bị Khoa tự ý thêm tên hụi viên vào để chiếm đoạt gần 192 triệu đồng và kê khống hụi viên không có tên tuổi, địa chỉ thật vào 14 dây hụi để chiếm đoạt gần 244 triệu đồng.

Số tiền chiếm đoạt được, Khoa dùng để đóng “hụi chết” và tiêu xài cá nhân, khi không còn khả năng chi trả thì tuyên bố vỡ hụi, khiến nhiều hụi viên “chết đứng”. Hành vi lừa đảo của Khoa phải trả giá bằng bản án 4 năm tù.

Trước đó, nhiều người dân ở Tam Bình cũng điêu đứng vì chủ hụi tuyên bố vỡ hụi. Chị Huỳnh Thị Thùy Trang (ấp 3B, xã Phú Lộc) gom góp tất cả vốn liếng hơn 150 triệu đồng tham gia vào các dây hụi của một người phụ nữ ở địa phương, nhưng chưa hốt được đồng nào thì người này tuyên bố vỡ hụi.

“Đây là số tiền tui dành dụm để lo cho 2 con ăn học, giờ coi như trắng tay”- chị Trang buồn bã nói.

Có thể thấy, hụi cũng là hình thức đầu tư sinh lời nhưng rất nhiều rủi ro nếu các chủ hụi không trung thực. Do đó, người dân cần cân nhắc trước khi “chọn mặt gửi tiền” cho các chủ hụi.

Quá trình tham gia các dây hụi cũng cần có những giấy tờ mang tính ràng buộc pháp lý để khi xảy ra tranh chấp hay vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi có thể nhờ đến pháp luật giải quyết, không để xảy ra tình trạng “tiền mất, tức mang”.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh