Rất nhiều người không có kinh nghiệm khi mua vé đã gặp sự cố "dở khóc dở cười". Vì thế, khi đi nước ngoài có những chặng quá cảnh nên cẩn thận lúc mua vé, tìm hiểu kỹ thông tin về đường bay, hành lý…
Rất nhiều người không có kinh nghiệm khi mua vé đã gặp sự cố "dở khóc dở cười". Vì thế, khi đi nước ngoài có những chặng quá cảnh nên cẩn thận lúc mua vé, tìm hiểu kỹ thông tin về đường bay, hành lý…
Mua vé máy bay qua mạng gặp nhiều rủi ro |
Mua vé máy bay giá rẻ, ngoài chuyện thường xuyên bị chậm trễ giờ bay, khách hàng còn nguy cơ bị hủy chuyến bay do chính sự bất cẩn của mình!
Không bay được sang New Zealand vì thiếu visa Úc!
Ngày 31-7, gia đình anh V.T.B.D (ngụ đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, TP HCM) làm thủ tục hàng không của hãng Air Asia tại sân bay Tân Sơn Nhất để bay đến Auckland (New Zealand) dự lễ tốt nghiệp của người thân.
Thế nhưng, nhân viên hãng hàng không này chỉ chấp nhận cho anh D. được lên máy bay vì visa Úc của anh còn thời hạn. Riêng cha mẹ của anh D. bị từ chối làm thủ tục hàng không vì họ không có visa Úc, chỉ có visa New Zealand.
Nhân viên hàng không Air Asia giải thích: Đường bay đến Auckland của Air Asia là bay từ TP HCM đến Kualar Lumpur (Malaysia), quá cảnh tại đây 4 giờ 25 phút. Chặng này không cần visa Malaysia. Nhưng khi bay tiếp đến Gold Coast (Úc), quá cảnh 90 phút thì buộc phải có visa Úc! Còn từ Gold Coast bay đến Auckland thì cần có thêm visa New Zealand.
Gia đình anh D. phản ứng vì trước đây anh D. từng mua vé của hãng này đến New Zealand với đường bay tương tự mà không cần visa Úc. Nhân viên Air Asia cho rằng khi anh D. mua vé trên mạng, hãng hàng không đã khuyến cáo: khách tự lo thủ tục visa nên lỗi này thuộc về khách, hãng hàng không từ chối trách nhiệm xử lý hậu quả.
Gia đình anh D. xin chuyển sang đường bay khác để kịp dự lễ tốt nghiệp của người thân nhưng hãng không đáp ứng được. Để thể hiện "thiện chí", nhân viên hàng không cho phép cha mẹ anh D. được bảo lưu vé trong vòng 5 ngày để xin bổ túc visa Úc.
Nhưng theo anh D., hãng hàng không này thừa biết thời gian xin visa Úc được Lãnh sự quán Úc quy định là trong vòng 30 ngày; nhanh nhất cũng phải mất 2-3 tuần. Sự "thiện chí" của hàng không thật ra là một sự "đánh đố" gia đình anh.
Quay về nhà, điều xót xa nhất của cha mẹ anh D. không phải là mất tiền mua vé (trên 30 triệu đồng) mà là mất cơ hội dự lễ tốt nghiệp của người thân - điều mà họ chờ đợi suốt 4 năm.
Anh D. cho biết anh đã từng đi rất nhiều nước trên thế giới và bay quá cảnh như thế này rất nhiều lần nhưng không hề biết quy định là bay quá cảnh vào Úc phải xin visa Úc. Quả là một bài học quá đắt với anh.
Rẻ hơn 10 triệu đồng, bị bỏ rơi ngoài sân bay
Đó là trường hợp của bà L.T.H, cựu giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM (nhà ở đường Trần Phú, quận 5, TP HCM). Năm 2017, bà ra Hà Nội thăm một người bạn và 2 bà "ngẫu hứng" đi du lịch châu Âu ghép đoàn với một nhóm khách ở TP HCM.
Khi bà đến công ty du lịch D.V ở Hà Nội để nhờ mua vé máy bay thì được nhân viên tư vấn xin visa Pháp là có thể vào các nước Schengen không cần visa. Tin lời, bà H. cùng bạn xin visa Pháp và được chấp thuận.
Hãng lữ hành tư vấn tiếp: chỉ cần bay sang Pháp ngủ một đêm rồi đi khắp các nước châu Âu, vào nước nào cũng được. Do hãng Air France của Pháp lúc ấy hết vé máy bay nên công ty du lịch D.V mua vé của hãng Aeroflot (Nga) cho 2 bà.
Giá vé rẻ hơn hàng không Pháp 10 triệu đồng nhưng phải quá cảnh Nga rồi bay sang Đan Mạch để ghép đoàn. Từng đi du lịch nhiều nước, cũng thông thạo ngoại ngữ Pháp và có thể giao tiếp bằng tiếng Anh nên bà H. tự tin và đồng ý với phương án mà công ty D.V tư vấn.
Nào ngờ, khi 2 bà bay đến Đan Mạch thì nhân viên hải quan không đồng ý cho nhập cảnh vì visa của 2 bà xin vào Pháp chứ không phải vào Đan Mạch. Thế là 2 bà bị bỏ rơi tại sân bay suốt một đêm để chờ "xuất cảnh" về lại Việt Nam.
Bà H. kể: "Thật là khủng khiếp với chúng tôi khi ở sân bay Đan Mạch vào ban đêm, không một bóng người, chúng tôi không có tiền mặt Đan Mạch nên không thể ăn uống gì được; trời lại lạnh buốt. Người ở đây chỉ nói tiếng Đan Mạch chứ không nói tiếng Anh nên chúng tôi đành chịu, chẳng biết kêu cứu ai.
Hai chị em chỉ còn biết khóc và ao ước làm sao trở về nhà được! Sau một ngày rã rời ở sân bay, chúng tôi may mắn gặp một gia đình Việt kiều Đan Mạch giúp đỡ nên mới trở về được Việt Nam an toàn".
Bà Cao Phẩm Hằng, Giám đốc Công ty Du lịch Vietjetours - người có kinh nghiệm lâu năm trong đặt vé máy bay, cho biết: Hai trường hợp trên không phải là hiếm mà rất nhiều người không có kinh nghiệm khi mua vé đã gặp sự cố "dở khóc dở cười" như vậy.
Vì thế, khách nên cẩn thận khi mua vé, phải tìm hiểu kỹ thông tin về đường bay, hành lý. Với những đường bay gần trong khu vực Đông Nam Á hoặc châu Á, khách có thể tự mua vé trên mạng, tại các đại lý vé máy bay, phòng vé của các hãng lữ hành nhưng nên chọn hãng uy tín, có kinh nghiệm.
Nên lưu ý giá rẻ hay đắt ở chỗ bay thẳng hay quá cảnh, thời gian quá cảnh lâu hay mau. Với những đường bay quá cảnh, khách chú ý không nên quá cảnh 1 giờ vì ở những sân bay lớn, di chuyển không kịp, đôi khi phải tự chuyển hành lý. Với những người ít di chuyển bằng đường hàng không, không nên chọn những đường bay quá cảnh nhiều vì dễ gặp sự cố ngoài ý muốn.
Theo Người Lao Động
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin