Tội phạm xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em đang là vấn nạn "nóng" của xã hội. Tội phạm này ngày càng phức tạp, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Tội phạm xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em đang là vấn nạn “nóng” của xã hội. Tội phạm này ngày càng phức tạp, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Bị hại không chỉ là trẻ em gái mà có cả trẻ em trai. Trước những bức xúc này, trong kỳ họp Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm kiến nghị cần quy trình điều tra đặc biệt tội phạm XHTD trẻ em.
Những con số đau lòng
Mỗi năm, cả nước xảy ra khoảng 2.000 vụ XHTD trẻ em, nhưng đây chỉ là những vụ được điều tra, còn thực tế thì cao hơn nhiều. Tính trong 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan tố tụng đã khởi tố 701 vụ, truy tố 753 vụ với hơn 800 bị can, trong đó có 486 vụ đã xét xử với 490 bị can.
Một bé gái bị người thân XHTD dẫn đến có thai ở huyện Long Hồ. |
Một con số đáng báo động, bởi các em bị xâm hại sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề về thể chất, tâm lý. Đặc biệt, không những trẻ em gái bị XHTD (chiếm trên 80%) mà trẻ em trai cũng bị XHTD.
Đối tượng xâm hại phần lớn thường có mối quan hệ quen thân với nạn nhân; có đối tượng là người nước ngoài sinh sống, làm việc, du lịch ở Việt Nam.
Trong các vụ án XHTD trẻ em có 6,2% liên quan đến hàng xóm, người quen; 21,3% liên quan đến người thân trong gia đình. Đặc biệt có những vụ án đau lòng khi nạn nhân là con, cháu ruột của đối tượng xâm hại. Điển hình như vụ án hiếp dâm trẻ em gây chấn động dư luận xã hội ở huyện Mang Thít.
Phan Thanh Tuấn cùng với người cha là Phan Thanh Sơn mất hết nhân tính hiếp dâm con gái ruột (con của Tuấn, cháu nội của Sơn) nhiều lần và kéo dài thời gian. Trường hợp khác tại huyện Trà Ôn, đối tượng Nguyễn Văn Ba XHTD con gái ruột chỉ mới 4 tuổi, khiến dư luận căm phẫn.
Cũng ở Trà Ôn, vụ án đặc biệt nghiêm trọng do Phạm Văn Lên (18 tuổi) là học sinh lớp 12 nhưng ra tay độc ác. Lên chặn đường bé gái đi học về, giết chết rồi hiếp dâm và dìm xác nạn nhân xuống mương vườn rồi bình thản về ăn cơm với cha mẹ như không có gì xảy ra.
Có nhiều nguyên nhân được đưa ra: đạo đức xã hội xuống cấp, trật tự xã hội chưa quản lý tốt. Việc cha mẹ sao nhãng, bỏ mặc con cái cũng là mầm mống nảy sinh các hành vi XHTD.
Một số gia đình kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống rồi bị dụ dỗ trở thành “con mồi” của loại tội phạm này.
Trẻ em ngày nay sớm tiếp nhận các trang mạng từ điện thoại di động nhưng không biết chọn lọc, nguy hiểm nhất là những ấn phẩm, trò chơi, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm tràn lan trên mạng xã hội.
Trẻ em bị XHTD đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, tố giác kẻ phạm tội.
Ngoài ra, theo bà Đào Hồng Lan- Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, còn do khoảng trống trong hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em và sự hạn chế cả về năng lực, số lượng lẫn quyền hạn pháp lý của hệ thống cán bộ và mạng lưới cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở cũng là những nguyên nhân dẫn đến tội phạm XHTD trẻ em diễn biến phức tạp.
Điều tra tội phạm XHTD trẻ em gặp nhiều khó khăn
Hiện nay, việc điều tra, thu thập chứng cứ vụ án XHTD trẻ em gặp rất nhiều khó khăn do trẻ em bị lợi dụng dễ bị tác động tâm lý, khai báo không đồng nhất.
Nhiều trường hợp khai báo không chính xác, vòng vo hay khai báo theo sự hướng dẫn của cha mẹ, người thân. Việc khởi tố, truy tố đối với bị can, bị cáo chỉ dựa chủ yếu vào lời khai của bị can, bị hại, nhân chứng gián tiếp (nghe bị hại kể lại) nên cơ sở để buộc tội bị can rất khó khăn.
Trong trường hợp vụ án đã được khởi tố điều tra, nếu bị can hoặc bị hại thay đổi lời khai thì vụ án có thể phải đình chỉ điều tra.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình- Chánh án TAND Tối cao, trong 5 năm, ngành tòa án đã xét xử 8.100 vụ các tội có liên quan đến XHTD trẻ em. Trong đó xét xử đúng người đúng tội hơn 7.500 vụ và trả hồ sơ điều tra lại hơn 500 vụ do thiếu chứng cứ hợp pháp hay gia đình nạn nhân bất ngờ không hợp tác, dẫn đến tội phạm nguy hiểm này vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Đối tượng Phạm Văn Lên thực nghiệm phạm tội giết người, hiếp dâm mang xác nạn nhân dìm dưới mương. Ảnh: TL |
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm XHTD trẻ em, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề xuất với Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện KSND và TAND xây dựng quy trình đặc biệt để điều tra tội phạm XHTD trẻ em.
Theo đó, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo công an các địa phương và đơn vị thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phương thức thủ đoạn hoạt động tội phạm XHTD trẻ em.
Hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa nhằm nâng cao ý thức cho trẻ em biết tự bảo vệ. Song song đó, phối hợp thực hiện có hiệu quả mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị XHTD và các quy trình can thiệp trợ giúp trẻ em bị bạo lực, XHTD.
Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý, tố giác, tin báo về tội phạm XHTD trẻ em. Đồng thời xây dựng quy trình và tổ chức tập huấn cho lực lượng công an các cấp về kỹ năng tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác điều tra xử lý tội phạm XHTD trẻ em, nhanh chóng xác định thủ phạm để sớm đưa chúng ra xét xử nghiêm theo quy định của pháp luật
Hiện có 17 cơ quan bảo vệ trẻ em và 1 Ủy ban Bảo vệ trẻ em vừa mới thành lập do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm chủ tịch. Tuy nhiên, hiện nay tội phạm XHTD trẻ em rất khó kiểm soát, diễn biến phức tạp và thủ đoạn, tính chất của tội phạm này ngày càng nghiêm trọng. Mỗi năm, cả nước xảy ra khoảng 2.000 vụ XHTD trẻ em. Trong đó trẻ em bị XHTD bởi người thân trong gia đình (cha ruột, dượng, anh, em họ...) là 21,3%; thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%; người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%. |
Bài, ảnh: HOÀI NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin