Sáng một ngày đầu tháng 4/2018, tôi dẫn người cháu học cấp 1 đi khám mắt tại một bệnh viện trong trung tâm thành phố.
Sáng một ngày đầu tháng 4/2018, tôi dẫn người cháu học cấp 1 đi khám mắt tại một bệnh viện trong trung tâm thành phố.
Khi tới nơi, vì quá đông người, nên sau khi rút số xếp hàng, tôi cũng như nhiều bệnh nhân khác phải dạt ra các hàng ghế trong nhà và cả ngoài sân để chờ tới lượt gọi vào khám. Đợi chừng hơn 1 giờ đồng hồ, ước chừng sắp tới lượt mình, tôi đã bước tới trước cửa phòng khám để đứng đợi.
Lúc này, khoảng không gian ở phía trước các phòng khám đều đông nghẹt người, và ngoài một số người đứng xếp hàng ngay ngắn thứ tự ra thì cũng có không ít người cứ nhoi lên phía trước, chen lấn xô đẩy.
Chính sự đông đúc, chen lấn xô đẩy ở trước cửa các phòng khám như vậy đã tạo điều kiện cho dân “2 ngón” (dân móc túi) vì các đối tượng trộm cắp này đã trà trộn vào để ra tay! Hôm đó, chính mắt tôi đã trông thấy một người đàn ông trung niên, dáng gầy ốm, tay chân xăm trổ, đứng phía trước tôi, dùng tay thò vào túi xách của một phụ nữ cũng đang đứng chờ khám ở phía trước hắn ta.
Do mải mê chú tâm vào chuyện khám bệnh hay sao mà chị kia không hề hay biết có kẻ gian đã thò tay vào chiếc túi đeo bên hông của mình.
Tôi để ý, khi thò tay vào chiếc túi, lục lọi một lát nhưng không thấy gì, hắn rút tay ra và lại chuyển hướng sang các đối tượng khác trong khi mắt của hắn ngó nghiêng, quan sát liên hồi. Khi tên gian di chuyển tới chỗ khác, lúc đó tôi mới dám “đánh động” cho chị phụ nữ về việc bị trộm cắp “viếng thăm”.
Chị ta hơi chút hốt hoảng xem lại thì đúng là không mất thứ gì, bởi điện thoại và tiền bạc chị để ở ngăn giữa, chứ ngăn ngoài chỉ là vài thứ giấy tờ...
Tôi nhắc chị ta là lần sau cảnh giác, đi đâu ở chỗ công cộng đông người không nên đeo túi ở phía sau, bên hông, mà nên chuyển hẳn qua đằng trước cho an tâm... Chị ta cười và cảm ơn tôi!
Như đã nói, chỗ đông người như: bệnh viện, nhà ga, bến xe, trên xe buýt,... luôn có rất nhiều kẻ trộm cắp móc túi, bởi bọn chúng luôn chờ thời khắc đông đúc, nhộn nhạo, chen lấn xô đẩy hay khi mọi người mất tập trung, không để ý thì... ra tay.
Ngay như chính tôi cách đây 2 năm cũng từng là nạn nhân của bọn “2 ngón”. Bữa đó, tôi đi xe buýt thời điểm đó là cao điểm buổi sáng, xe buýt đông người chen chân.
Tôi đứng ngay gần sát chỗ cửa lên xuống, do đeo ba lô ở phía sau lưng, nên không hề hay biết mình bị kẻ gian kéo khóa móc mất chiếc ví để ở bên trong ngăn ngoài cùng, mãi khi xuống xe buýt một lát tôi mới phát hiện ra.
Quá bực bội vì vụ bị mất trộm đó, khi tiền thì mất chẳng đáng là bao nhưng mất giấy tờ khiến tôi khốn khổ trong việc phải đi xin làm cấp lại. Từ đó khi xuất hiện chỗ đông người, tôi luôn dặn mình là phải cảnh giác cao độ...
Từ khi chứng kiến vụ kẻ gian móc túi ở Bệnh viện Mắt kể trên, cũng như việc mình từng là nạn nhân của móc túi trộm cắp trên xe buýt, tôi khuyên mọi người khi xuất hiện tại những nơi công cộng đông người như nhà ga, bến xe, trên xe buýt, phòng khám tại bệnh viện, thậm chí cả khi xếp hàng trước cây ATM để rút tiền..., nên thận trọng, nâng cao tinh thần cảnh giác để phòng tránh bọn gian móc trộm tài sản, tiền bạc!
Không nên để ví tiền, điện thoại ở túi quần sau (đối với nam), và ở trong ngăn ngoài của túi xách (đối với nữ), bởi tại những chỗ đó chỉ cần không chú tâm một chút xíu là trộm cắp nhanh chóng tiếp cận và móc mất.
Nên cất tiền bạc, tài sản có giá trị vào túi áo trong phía trước, hoặc ngăn giữa của túi xách, ba lô, và ba lô túi xách nên được đeo ngay phía trước ngực thay vì cho ra đằng sau hay bên hông...
Thiết nghĩ, trước khi đợi các cơ quan chức năng truy quét dẹp bỏ bọn gian, thì mọi người nên tự bảo vệ đồ đạc tài sản của mình- nhất là nơi công cộng, chỗ đông người. Và nếu ai cũng đề cao tinh thần cảnh giác, cũng cẩn thận thì tôi chắc chắn bọn móc túi trộm cắp sẽ khó có đường làm ăn...
NGUYỄN LONG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin