Ba người Đài Loan là chủ mưu trong các vụ giả danh Công an điện thoại cho các bị hại, cho rằng họ tham gia vào các đường dây ma tuý, rửa tiền rồi thúc giục yêu cầu họ gửi tiền vào tài khoản của "cơ quan Công an" để chứng minh sự trong sạch...
Ba người Đài Loan là chủ mưu trong các vụ giả danh Công an điện thoại cho các bị hại, cho rằng họ tham gia vào các đường dây ma tuý, rửa tiền rồi thúc giục yêu cầu họ gửi tiền vào tài khoản của “cơ quan Công an” để chứng minh sự trong sạch...
Ngày 30/4, Cục Cảnh sát hình sự cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 8 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong 8 đối tượng, có 3 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) sang Việt Nam bằng đường du lịch là chủ mưu trong các vụ giả danh Công an điện thoại cho các bị hại cho rằng họ tham gia vào các đường dây ma tuý, rửa tiền rồi thúc giục yêu cầu họ gửi tiền vào tài khoản của “cơ quan Công an” để chứng minh sự trong sạch, sau đó nhanh chóng rút tiền rồi tắt điện thoại.
5 đối tượng người Việt Nam có hành vi giúp sức.
Một số đối tượng trong vụ án tại cơ quan Công an. |
Các đối tượng trên đã lừa đảo nhiều bị hại từ Bắc chí Nam với số tiền lên đến hơn 10 tỷ đồng. Đây chỉ là một trong rất nhiều mắt xích trong tổ chức tội phạm chuyên lừa đảo quốc tế. Có thể vẫn còn có rất nhiều nhóm khác đang hoạt động tại Việt Nam.
Một trong những đối tượng trong nhóm cầm đầu người Đài Loan là Pan Chu Lin (Xẻo Phan), 41 tuổi, sang Việt Nam bằng hộ chiếu du lịch. Theo lời khai, Xẻo Phan được một đối tượng nhờ sang Việt Nam để làm việc.
Tại Việt Nam, Xẻo Phan có trách nhiệm tìm kiếm, thuê một số người Việt Nam mở tài khoản để bị hại chuyển vào, đồng thời cùng đồng bọn tham gia hành vi đe doạ, lừa đảo.
Sau khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản của người Việt Nam; Xẻo Phan có trách nhiệm đi cùng, giám sát các đối tượng ra ngân hàng rút tiền.
Mỗi lần rút được tiền, Xẻo Phan chia phần trăm cho những người Việt Nam là chủ tài khoản rồi nhanh chóng gửi về cho đối tượng ở Đài Loan.
Đối tượng này khai nhận, biết số tiền trên là tiền phạm pháp nhưng vẫn làm vì theo cam kết phải làm việc hết 3 tháng mới được về.
Cùng đồng phạm với Xẻo Phan là Chiu Po – Sung (Xẻo Chiêu), 21 tuổi. Cũng giống Xẻo Phan, Xẻo Chiêu được 1 đối tượng người Đài Loan thuê sang Việt Nam để cùng nhóm người Đài Loanđi rút tiền. Theo đó, Xẻo Chiêu được cung cấp tiền vé máy bay, giúp làm visa.
Khi sang đến Việt Nam, Xẻo Chiêu tải ứng dụng điện thoại để liên lạc với nhóm người Đài Loan thực hiện hành vi lừa đảo và “áp giải” các đối tượng người Việt Nam đi rút tiền.
Xẻo Chiêu đã cùng các đối tượng thực hiện 5 lần rút tiền với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng rồi chuyển cho đối tượng ở Đài Loan ngay.
Để tránh việc bị Công an Việt Nam phát hiện, Xẻo Chiêu thường xuyên thay đổi chỗ ở, rút tiền tại các ngân hàng xa trung tâm, khi có tiền là rút hết ngay.
Đối tượng già nhất trong nhóm là Hou Po Ta (Xiao Hou), 25 tuổi, cũng sang Việt Nam theo visa du lịch. Xiao Hou đã thực hiện 3 lần rút tiền với tổng số tiền rút được là 340 triệu đồng.
Được biết, 3 đối tượng trên nằm trong đường dây lừa đảo quốc tế, sang Việt Nam tham gia đường dây lừa đảo và tìm, thuê người Việt Nam mở tài khoản để bị hại chuyển tiền, sau đó giám sát các đối tượng rút tiền đưa cho chúng để chuyển về nước.
Cầm đầu nhóm người Việt Nam giúp sức cho các đối tượng Đài Loan lừa đảo là Bùi Quang Hải, 22 tuổi, trú ở thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Khoảng đầu tháng 2-2018, Hải được người bạn làm việc ở Đài Loan giới thiệu để làm quen với Xẻo Hoáng (Tiểu Vương- không rõ địa chỉ).
Mục đích của việc làm quen là Hải có trách nhiệm mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng để bị hại chuyển tiền vào, sau đó rút ra.
Hải được hưởng 2% tổng số tiền rút được. Hải từ Hà Tĩnh vào TP Hồ Chí Minh gặp Tiểu Vương, cùng ở nhà nghỉ với đối tượng này và cùng với Tiểu Vương đi mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau để nhận tiền, rút tiền đưa cho Tiểu Vương. Hải đã rút nhiều lần, được 1,4 tỷ đồng và hưởng lợi 28 triệu đồng.
Thấy kiếm tiền dễ, Hải rủ thêm Nguyễn Thái Dũng, Nguyễn Tông Long (đều ở Hà Tĩnh) vào TP Hồ Chí Minh mở tài khoản.
Theo đó, mỗi ngườimở được 10 tài khoản tại nhiều ngân hàngkhác nhau. Hải Dũng cùng với Xẻo Phan trực tiếp vào trong tài khoản của Long để đưa cho Xẻo Phan.
Cùng đồng bọn với Hải là Nguyễn Doãn Phong, 27 tuổi, cũng trú ở thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Phong có anh họ là Nguyễn Doãn Tâm hiện đang lao động tại Đài Loan nên Tâm đã giới thiệu cho Phong mở tài khoản để nhận tiền và hưởng phần trăm hoa hồng. Sau đó, Tâm cho Phong số điện thoại của Bùi Quang Hải để Hải hướng dẫn cách mở tài khoản và rút tiền.
Sau khi thực hiện hành vi phạm pháp, Phong còn giới thiệu Trang Thị Châu Đoan, 22 tuổi, trú ở xã Tân Thạnh, huyện An Minh, Kiên Giang và Dương Văn Tùng, 22 tuổi, trú ở xã Ân Hảo Tây, Hoài Ân, Bình Định cùng mở tài khoản để được hưởng hoa hồng.
Trong các bị hại của nhóm đối tượng trên, bị lừa nhiều nhất là một phụ nữ hơn 70 tuổi, vốn là bác sĩ của một bệnh viện lớn, đó là bà Nguyễn Thị D., ở quận Tây Hồ, Hà Nội.
Bà D. cho biết, ngày 16/3, bà nhận được một cuộc điện thoại vào máy cố định của gia đình, đối tượng đầu dây bên kia tự xưng là Công an, công tác tại Công an TP Hồ Chí Minh đang điều tra vụ án ma túy liên quan đến bà D..
Người gọi điện yêu cầu bà D. chuyển tiền vào tài khoản của họ để phục vụ công tác điều tra. Từ ngày 16 đến ngày 19-3, theo chỉ dẫn của người mạo danh là công an, bà D. đã chuyển tiền vào 4 tài khoản tại 4 ngân hàng, với tổng số tiền là 6,1 tỷ đồng. Sau khi biết mình bị lừa, bà D. đã làm đơn trình báo cơ quan Công an.
Nhận được đơn của bà D., Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao điều tra, làm rõ, bắt giữ các đối tượng.
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, “lần” tìm được các đối tượng cũng như nơi lẩn trốn của chúng, tổ chức bắt giữ.
Bước đầu, cơ quan điều tra đã làm rõ, các đối tượng trên lừa đảo hàng chục người tại nhiều địa phương trong cả nước với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Riêng trong vụ lừa bà Nguyễn Thị D., Nguyễn Tông Long là đối tượng đã rút hơn 3,9 tỷ đồng và hưởng lợi 56,5 triệu đồng. Số tiền còn lại được chuyển vào tài khoản của các đối tượng khác.
Một bị hại khác cũng rất đáng thương là bà Nguyễn Thị H ở TP Hồ Chí Minh. Bà H. không có chồng, mới bán được căn nhà với giá 800 triệu đồng để về ở với em trai. Vừa bán nhà xong thì nhận được điện thoại của một người tự xưng là Công an nói rằng số tiền trong tài khoản của bà có dính dáng đến một vụ án hình sự.
Quá choáng váng vì bà H. chưa biết phạm pháp hình sự là gì nên cuống cuồng chuyển tiền cho đối tượng. Lúc đầu, bà H. chuyển 280 triệu, nhưng đối tượng thúc giục nhiều lần khiến bà không còn tâm trí nào để suy nghĩ, tính toán, tiếp tục chuyển thêm cho chúng gần 300 triệu nữa.
Đặc biệt, cho đến khi Cơ quan công an bắt giữ các đối tượng, thông báo cho bà H. đến làm việc, bà vẫn nghĩ rằng mình đã được chứng minh là không phạm pháp và đến nhận lại tiền. Khi biết mình bị lừa, bà H. khóc ngất vì mất nhà cửa, không biết cuối đời sẽ thế nào.
Trung tá Lê Văn Dĩnh, Phó trưởng Phòng hướng dẫn điều tra án xâm phạm sở hữu, Cục Cảnh sát hình sự cho biết, thủ đoạn chính của nhóm tội phạm này là dùng công nghệ cao tạo ra những số điện thoại giống hệt như của cơ quan Công an hay viện kiểm sát, gọi đến cho người dân, dọa dẫm là số tiền của họ trong ngân hàng dính dáng đến một vụ án hình sự, muốn thoát tội phải chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định để kiểm tra. Sau đó, nhóm tội phạm sẽ lập tức chiếm đoạt số tiền trên.
Trung tá Lê Văn Dĩnh nhấn mạnh, theo qui định của pháp luật, cơ quan Công an không bao giờ lấy lời khai của người có liên quan đến các vụ việc qua điện thoại.
Khi cần, cơ quan Công an sẽ mời lên làm việc bằng cách gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập thông qua Cảnh sát khu vực. Do vậy, người dân không nên tin vào những ai gọi điện xưng là cán bộ Công an làm việc qua điện thoại rồi yêu cầu chuyển tiền.
Khi nghe điện thoại của người lạ, người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó…
Người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.
Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức hoạt động lừa đảo hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển nộp tiền không có lý do chính đáng, thì cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
Đặc biệt, Trung tá Lê Văn Dĩnh lưu ý, thủ đoạn mới của các đối tượng này là hướng dẫn bị hại mở một tài khoản ở ngân hàng do chính mình đứng tên nhưng ghi 2 số điện thoại của bị hại và đối tượng.
Việc này dễ dàng được bị hại tin tưởng vì tài khoản đứng tên mình, nhưng không ngờ rằng, họ cung cấp mật khẩu đăng nhập, đối tượng sẽ xâm nhập được vào tài khoản trên, khi ngân hàng gửi mãi OTP (mã xác minh) vào điện thoại của chúng, lập tức chúng chuyển tiền sang tài khoản khác để chiếm đoạt.
Theo CAND
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin