Một tuần xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm: Những lời xin lỗi!

10:01, 15/01/2018

Mức án đề nghị với từng bị cáo đã được VKSND TP Hà Nội đưa ra. Các bị cáo cũng tự bào chữa cho mình. Nhiều bị cáo nói lời xin lỗi.

 

Mức án đề nghị với từng bị cáo đã được VKSND TP Hà Nội đưa ra. Các bị cáo cũng tự bào chữa cho mình. Nhiều bị cáo nói lời xin lỗi.

22 bị cáo hầu toà về tội Cố ý làm trái và Tham ô tài sản (Ảnh: TTXV
22 bị cáo hầu toà về tội Cố ý làm trái và Tham ô tài sản (Ảnh: TTXV

Phiên toà xét xử vụ án vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) diễn ra gần trọn một tuần qua (từ 8-14/1), bao gồm thứ Bảy và nửa ngày Chủ nhật.

Bản hợp đồng đẩy lãnh đạo và thuộc cấp vướng lao lý

Mấu chốt của vụ án Cố ý làm trái xuất phát từ bản hợp đồng EPC số 33 do Tổng Công ty Điện lực dầu khí – PVPower ký với PVC theo hình thức chỉ định thầu về dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Theo hồ sơ và diễn biến tại phiên toà, các bị cáo đều thừa nhận đây là bản hợp đồng thiếu cơ sở pháp lý nhưng vẫn được ký. Sau này, chủ thể được chuyển về PVN và thay thế bằng hợp đồng 4194, tuy nhiên, bản hợp đồng này vẫn bị coi là chưa hoàn thiện.

Quan điểm luận tội của Viện KSND TP Hà Nội nêu rõ, trong khi dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được phê duyệt; chưa có thiết kế FEED, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu và một loạt các thủ tục pháp lý khác có liên quan, bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết Hợp đồng EPC số 33 ngày 28/2/2011 và Hợp đồng chuyển đổi chủ thể số 4194 ngày 13/5/2011 với giá trị lên tới 1,2 tỷ USD.

Theo đại diện VKS, thực chất việc ký kết các hợp đồng này chỉ nhằm mục đích lấy tiền của PVN để chuyển cho PVC đang chìm đắm trong nợ nần. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày từ 23-31/5/2011 thông qua việc xin tạm ứng, PVC đã rút của PVN 1.000 tỷ đồng trên tổng số 1.312 tỷ và 6,6 triệu USD tạm ứng trái quy định, sau đó PVC đã sử dụng không đúng mục đích số tiền lên tới 1.115 tỷ đồng gây thiệt hại cho PVN hơn 119 tỷ đồng.

Tại toà, các bị cáo nguyên là lãnh đạo PVN (Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn) khai rằng do thiếu kiểm tra, giám sát, cấp dưới không báo cáo nên mới không biết kịp thời về những sai phạm của hợp đồng 33. Bản thân các bị cáo không có sự chỉ đạo ký hợp đồng do đã phân cấp, phân quyền rõ ràng trong tập đoàn nhưng thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu. Còn những người trực tiếp đàm phán, ký kết lại khai rằng do sức ép từ cấp trên, nội dung chỉ là “hợp đồng tạm” và thực tế hợp đồng chưa có hiệu lực.

Tuy nhiên, VKSND TP Hà Nội cho rằng có đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo và đề nghị mức án từ 10 đến 15 năm tù đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo PVN, 5 bị cáo được đề nghị hưởng án treo, các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 17 tháng tù đến 19 năm tù.

Những lời xin lỗi và đề nghị giảm nhẹ hình phạt

“Bị cáo xin lỗi Đảng, nhân dân, xin lỗi các thế hệ cán bộ công nhân ngành dầu khí, ảnh hưởng tới truyền thống ngành vì những sai phạm của mình” – ông Đinh La Thăng trong phần bào chữa cho mình trước toà đã nói như vậy.

Bị cáo cho biết, suốt quá trình điều tra thấy day dứt trăn trở, thấy có lỗi với Đảng, Nhà nước và với thuộc cấp. Giá như ông bớt quyết liệt một chút, dành thời gian kiểm tra, kiểm soát thì chắc không có phiên tòa ngày hôm nay.

Nhắc đến nhiều cấp dưới khác, bị cáo Đinh La Thăng nói quả thực là đau đớn vì họ không vụ lợi.

Trình bày trước toà, bị cáo Trịnh Xuân Thanh - cựu chủ tịch HĐQT PVC cũng nhận bản thân "có lỗi với anh Thăng, với các anh lãnh đạo" và mình không muốn đổ tội cho cấp dưới, nhưng luật pháp vẫn là luật pháp.

Chứng kiến nhiều lãnh đạo tập đoàn PVN đứng trước toà, bị cáo Phùng Đình Thực – nguyên Tổng Giám đốc PVN nói rằng vô cùng đau xót. Còn Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn cũng bày tỏ ăn năn, xin được nhận trách nhiệm cho cấp dưới như bị cáo Lê Đình Mậu, Ninh Văn Quỳnh vì những người này chỉ làm theo chỉ đạo.

Đứng trước bục khai báo, bị cáo Phạm Tiến Đạt - nguyên Kế toán trưởng PVC nhiều lần gạt nước mắt khi đề nghị HĐXX và VKS xem xét giảm nhẹ tội cho một số bị cáo là cấp trên của mình như Nguyễn Ngọc Quý, Trương Quốc Dũng.

“Bị cáo nhận trách nhiệm đã thừa hành góp phần làm sai, làm liên luỵ lãnh đạo tập đoàn. Xin lỗi ông Phùng Đình Thực và lãnh đạo tập đoàn cũng vì một phần của bị cáo mà bị liên luỵ. Mong các anh thông cảm cho vị trí của bị cáo” – Phạm Tiến Đạt chùng giọng trước toà.

Các bị cáo đều mong được hưởng sự khoan hồng khi lượng hình. Nêu ý kiến tại toà, người đại diện cho nguyên đơn dân sự PVN và PVC cũng kính đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt về trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.

Hôm nay (15/1), phiên toà tiếp tục diễn ra...

Theo Nam Sơn/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh